Hình ảnh hóa (visualize) – Phương pháp đọc hiểu áp dụng được ở nhiều môn học
Hình ảnh hoá (visualize) là gì?
Hình ảnh hoá (visualize) là phương pháp đọc hiểu tạo ra những hình ảnh trong đầu, dựa trên phần văn bản mà chúng ta đọc được hoặc những từ ngữ mà chúng ta nghe thấy. Đây là phương pháp lý tưởng để dạy trẻ nhỏ đang gặp rắc rối với kỹ năng đọc.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 6, học thêm toán 7 tại Hà Nội)
Ảnh: St Alban East Reading Recovery)
Tại sao Hình ảnh hoá lại quan trọng?
Hình ảnh hoá giúp củng cố các kỹ năng đọc hiểu khi trẻ đã có được sự thấu hiểu sâu sắc hơn về văn bản mình đang đọc và từ đó, sử dụng các từ một cách chủ ý để tạo ra những hình dung trong tưởng tượng. Một khi đã thực hành thuần thục kỹ năng này, việc mường tượng nội dung đọc dưới dạng hình ảnh sẽ trở thành tự động. Khi đó, trẻ không chỉ có trải nghiệm đọc phong phú hơn mà còn có thể nhớ lại những gì đã đọc trong khoảng thời gian lâu hơn (Harvey & Goudvis, 2000).
Hình ảnh hoá văn bản khi được đọc hoặc nghe cũng tạo ra mối liên hệ cá nhân giữa người đọc/người nghe với văn bản. Họ có thể hình dung ra nhân vật cụ thể như thế nào và từ đó, gắn bó với câu chuyện hơn. Tác dụng của nó, hẳn cha mẹ đều thấy rõ: sẽ giúp trẻ đọc một cách có ý nghĩa hơn và hứng thú hơn.
Làm thế nào để thực hành Hình ảnh hoá?
Đây là phương pháp có ích trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù thường được sử dụng khi hướng dẫn đọc cho những trẻ nhỏ, ngay cả trẻ lớn tuổi hơn, đã đọc hiểu thuần thục hơn cũng có thể tận dụng lợi ích của kỹ năng này.
Khi lựa chọn một văn bản để thực hành hoạt động hình ảnh hoá, hãy bắt đầu bằng một đoạn có chứa ngôn ngữ mô tả, những động từ mạnh, có thể dễ dàng để tạo nên một bức tranh sống động.
Không cần thiết phải bắt đầu với cả một cuốn sách – thậm chí một câu hay đoạn văn ngắn được viết phù hợp cũng có thể cung cấp chất liệu để làm nên một buổi thực hành kỹ năng Hình ảnh hoá hiệu quả.
Thực hành phương pháp đọc hiểu Hình ảnh hóa: bắt đầu từ những đoạn văn bản nhỏ
Để bắt đầu chuỗi bài học tập trung phát cải thiện kỹ năng hình ảnh hoá, bạn nên chọn một đoạn văn ngắn từ một văn bản hoặc do chính bạn sáng tạo nên. Ví dụ, những câu sau có thể được sử dụng để khơi gợi thảo luận từ trẻ:
“Joan gần như không thể tin vào mắt mình. Tất cả những món quà này đều là dành cho cô bé! Joan chưa từng nhìn thấy nhiều gói quà đến thế trước đây, cho dù có cộng tất cả món quà sinh nhật mà cô bé từng nhận được.”
Sau khi nghe hoặc đọc đoạn văn nhỏ này 1-2 lần, trẻ có thể thảo luận về những hình ảnh hiện ra trong đầu. Nếu bạn có một nhóm trẻ, mỗi bé có thể đưa ra những hình dung khác nhau về thứ được nhắc tới trong đoạn văn. Ví dụ, một số sẽ vẽ ra cảnh một bé gái đang được bao quanh bởi hàng núi quà. Những trẻ khác lại hình dung một cô gái đang đứng trước chiếc bàn chất đầy quà. Không có câu trả lời đơn lẻ nào là đúng. Và 3 câu đơn giản trên, dù không thực sự phong phú về chi tiết, vẫn cung cấp đủ thông tin để người nghe/người đọc bắt đầu vẽ nên bức hoạ của riêng mình.
Thực hành phương pháp đọc hiểu Hình ảnh hóa: tạo ra một bộ phim trong tâm trí
Cột trái là những hình ảnh bạn hình dung ra trong đầu dựa trên nội dung văn bản. Cột bên phải là những từ/ngữ/câu gợi lên hình ảnh đó, trích từ văn bản. (Ảnh: Smekens Education)
Thực hành phương pháp đọc hiểu Hình ảnh hóa: sử dụng 5 giác quan
Thực hành phương pháp đọc hiểu Hình ảnh hóa: Hoạt động nhóm
Trẻ có thể thực hành kỹ năng Hình ảnh hoá theo từng nhóm nếu bạn có thể tổ chức được. Một cách để thử thách trẻ nhỏ để cải thiện khả năng hình dung, mường tượng là đọc to cho trẻ một cuốn sách tranh và chỉ chia sẻ một phần trong số toàn bộ hình minh hoạ. Sau đó, đề nghị trẻ tự tạo ra minh hoạ của riêng mình dựa trên những gì mà trẻ nghe được. Những độc giả lớn tuổi hơn, trình độ cao hơn có thể nghe một phần cuốn tiểu thuyết rồi tạo ra một bức tranh hoặc viết mô tả về nhân vật/bối cảnh dựa theo thông tin mà văn bản cung cấp.
Thực hành phương pháp đọc hiểu Hình ảnh hóa: Tự đọc
Trẻ cũng có thể thực hành kỹ năng Hình ảnh hoá như một hoạt động tiếp nối với hoạt động tự đọc một mình. Đề nghị trẻ, sau khi đã ghi chép về việc đọc của mình trong nhật ký đọc, phản hồi những câu hỏi liên quan tới hình ảnh mà trẻ tạo ra nhờ thông tin từ văn bản đã đọc như:
-
“Nhân vật chính có gợi nhắc con nhớ đến người nào mà con biết không?”,
-
“Con đã bao giờ đến hoặc thấy một nơi nào như trong bối cảnh mà cuốn sách mô tả chưa?”
-
…
Trẻ ở độ tuổi rất nhỏ cũng có thể vẽ hình vào nhật ký đọc của mình để biểu thị nội dung câu chuyện đã đọc hoặc được nghe. Bạn có thể thảo luận cùng trẻ về những hình vẽ này sau đó.
Trẻ ở độ tuổi lớn hơn, khi đã đọc được các cuốn tiểu thuyết, có thể suy nghĩ về các câu hỏi như: “Nếu con định làm một bộ phim dựa trên cuốn sách này, con muốn ai đóng vai nhân vật chính?”; “Bối cảnh trong phim trông sẽ thế nào?” và “Con muốn ghi hình ở đâu?”. Những câu hỏi này nhằm vào những hình ảnh được tạo ra trong đầu trẻ, đồng thời khích lệ trẻ chia sẻ hình dung, tưởng tượng của mình.
Nâng cao cấp độ của Hình ảnh hoá
Các hoạt động hình ảnh hoá dẫn trẻ tới những hoạt động đào sâu thêm vào nội dung văn bản. Ví dụ, 3 câu được trích trong phần “Bắt đầu từ những đoạn văn bản nhỏ” hướng trẻ đến những thảo luận sâu hơn về khả năng suy luận. Trẻ thảo luận không chỉ về những thứ mà chúng hình dung ra trong đầu mà còn về những câu hỏi mà văn bản gợi ý, như: “Tại sao con nghĩ Joan lại nhận được tất cả những món quà đó?” hoặc “Con nghĩ Joan sẽ làm gì tiếp theo?”.
Bạn cũng có thể nâng tầm cho phần thảo luận này bằng cách cho phép trẻ được cá nhân hoá những trải nghiệm, thông qua trả lời câu hỏi: “Con sẽ làm gì nếu con là Joan?” hoặc “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu con ở vào vị trí của Joan?”.
Sử dụng Hình ảnh hoá khi nào?
Trẻ có thể mài giũa kỹ năng hình ảnh hoá khi đọc một mình, đọc theo nhóm hoặc nghe văn bản. Để khuyến khích việc hình ảnh hoá, tắt đèn và đề nghị trẻ nhắm mắt lại khi lắng nghe. Thi thoảng ngừng lại để cho phép trẻ chia sẻ hình ảnh mà trẻ vẽ ra trong đầu với các bạn. Khả năng hình ảnh hoá nội dung văn bản ngày càng trở nên quan trọng khi trẻ chuyển từ những cuốn sách truyện minh hoạ phong phú sang các cuốn sách chương/hồi với tương đối ít tranh.
Giúp trẻ chuyển đổi thuận lợi hơn bằng cách giải thích rằng những người viết chuyên nghiệp sử dụng ngôn ngữ mô tả để khơi gợi hình ảnh trong trí tưởng tượng của độc giả. Khích lệ trẻ tạo ra hình ảnh của riêng mình và từ đó, tự minh hoạ cho cuốn sách trẻ đọc – hoàn thiện các bức tranh mà tác giả chỉ dùng ngôn từ để vẽ.
Văn bản dễ dàng thực hành kỹ năng Hình ảnh hoá thường có nhiều đoạn mô tả sinh động hoặc động từ mạnh. Tìm kiếm các câu/đoạn văn trong bài viết của trẻ để luyện kỹ năng này. Với sự cho phép của trẻ, chia sẻ những ví dụ trên với các bạn trong nhóm đọc, khích lệ việc thảo luận, không chỉ ở những hình ảnh được tạo ra mà còn cả lý do tại sao văn bản đó lại phù hợp với việc hình ảnh hoá. Không quên động viên những cây bút nhỏ tuổi sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh – đây chính là lúc kỹ năng viết thực sự toả sáng!
Hình ảnh hoá là một kỹ năng hữu ích với môn Toán. Trẻ thường sử dụng các thao tác bằng tay để biến các khái niệm Toán trở nên cụ thể hơn. Và Hình ảnh hoá là cách để cá nhân hoá khái niệm toán học đã được củng cố qua các thao tác bằng tay.
Ví dụ, khi trẻ học về phân số: Một câu hỏi như “Con thích 1/2 hay 1/3 chiếc pizza?” sẽ được trẻ trả lời dễ dàng hơn nếu trẻ có thể vẽ một chiếc bánh pizza (hay ít ra là một vòng tròn) rồi xem xem 1/2 với 1/3 trông như thế nào.
Trước tiên, bạn có thể vẽ 2 hình ảnh pizza lên bảng, tô màu 1/2 chiếc bánh thứ nhất và 1/3 chiếc bánh thứ hai. Khi cuộc thảo luận tiếp tục, (1/4 so với 1/8, 2/3 so với 3/4…), thử thách trẻ bằng việc đề nghị trẻ vẽ chiếc bánh pizza trong đầu hoặc vẽ ra hình ảnh mà trẻ hình dung.
-
Khi học các môn nghiên cứu xã hội
Khi trẻ học Lịch sử, đôi khi trẻ được tiếp xúc với danh sách các tên gọi và ngày tháng. Những trẻ thực sự biết cách hình ảnh hoá những sự kiện lịch sử, sẽ cần các chi tiết phù hợp và đủ nhằm tạo ra bức tranh tổng thể. Trao cho trẻ cơ hội để lắng nghe hoặc đọc một ghi chép cá nhân về một sự kiện hay khoảng thời gian lịch sử mà trẻ đang học. Khi đã sẵn sàng, những đoạn văn bản viết từ cách nhìn của trẻ sẽ có ích trong việc củng cố mối liên hệ cá nhân giữa trẻ với giai đoạn lịch sử đó.
Ví dụ, hai cuốn sách Sarah Morton’s Day: A day in the life of a pilgrim girl” và “Samuel Eaton’s Day: A day in the life of a pilgrim boy” của tác giả Kate Waters, đều có ngữ cảnh thích hợp giúp trẻ hiểu về đời sống thuộc địa là như thế nào.
Hình ảnh hoá đôi khi là một thử thách tuyệt vời với một số khái niệm trừu trượng hơn trong khoa học.
Ví dụ, khi học về thực vật, trẻ biết rằng, cây cần nước để lớn lên. Trong khi trẻ có thể ghi nhớ thông tin nước di chuyển từ rễ lên thân rồi tới lá hoặc nụ hoa, bạn có thể hình ảnh hoá quá trình này để trẻ tận mắt chứng kiến và ghi nhớ tốt hơn: lấy một bông hoa cắm vào lọ nước đã pha màu xanh. Sau một thời gian, bông hoa sẽ chuyển sang màu xanh.