Think, Pair, Share – phương pháp học tốt cho nhóm trẻ
Nếu bạn tập hợp được một nhóm trẻ thì Think, Pair, Share là phương pháp học tập hiệu quả mà bạn rất nên hướng dẫn cho các con. Nếu bạn không có nhóm trẻ, vẫn có thể áp dụng phương pháp này. Bởi chỉ cần bạn và con đã tạo thành một “nhóm học” (dù nhỏ) rồi.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 10, học thêm toán 9 tại Hà Nội)
Think, Pair, Share là gì?
Phương pháp Think, Pair, Share là cách học mang tính hợp tác. Theo đó, sự tham gia của mỗi thành viên trong một nhóm sẽ góp phần vào kết quả chung. Trẻ sẽ học cách xử lý mọi vấn đề qua 3 bước sau:
1. Think (Nghĩ):
Trẻ suy nghĩ độc lập về vấn đề được nêu ra; tự hình thành nên ý tưởng của mình.
Ảnh: Pinterest
2. Pair (Bắt cặp):
Trẻ được ghép cặp với nhau để thảo luận về những ý tưởng vừa có. Bước này giúp trẻ thể hiện ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của bạn.
Ảnh: Emaze
3. Share (Chia sẻ):
Trẻ chia sẻ ý tưởng vừa thảo luận với nhóm lớn hơn. Thông thường, một trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi giới thiệu ý tưởng đến cả nhóm nếu được sự hỗ trợ của bạn bắt cặp với mình. Hơn nữa, ý tưởng của từng trẻ sẽ được củng cố và nâng cao hơn trong quá trình thực hiện 3 bước này.
Ảnh: PinStake
Tại sao phương pháp Think, Pair, Share lại quan trọng?
1. Khi tạo cặp, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với một nhóm bạn, trẻ có cơ hội trình bày, cụ thể hoá ý tưởng của mình. Nhờ đó, việc nắm bắt, thấu hiểu và giải quyết vấn đề của trẻ sẽ được củng cố và trở nên tốt hơn.
2. Phương pháp Think, Pair, Share cũng giúp tăng cường khả năng giao tiếp. Trẻ không chỉ học hiệu quả hơn mà kĩ năng giao tiếp cũng vì thế mà được cải thiện.
3. Khi chia sẻ ý tưởng của mình, trẻ trở nên chủ động hơn với việc học. Trẻ biết tiếp thu, phản hồi ý tưởng từ bạn khác, thay vì thụ động dựa vào lời giảng của giáo viên.
Ảnh: RDE NSW
4. Những tác dụng khác của việc áp dụng phương pháp học tập Think, Pair, Share:
– Thay đổi tích cực trong thái độ, sự tự tin của trẻ.
– Trẻ học cách lắng nghe người khác, tôn trọng ý kiến của người khác, trong lúc vẫn có chính kiến của mình.
– Trẻ có cơ hội học hỏi kỹ năng tư duy cao hơn từ bạn bè.
– Trẻ hiểu rằng, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, với sự hỗ trợ của mọi người. Trẻ không hề đơn độc trong việc học tập nói riêng, hành trình khám phá nói chung.
– Mọi trẻ đều được chú ý tới. Không ai bị bỏ mặc. Ngay cả những em tính nhút nhát, ngại chia sẻ trước đám đông, ít ra, em cũng có một người lắng nghe – đó là bạn cùng ghép cặp với mình.
– Dù có vẻ mất thời gian, phương pháp giúp hoạt động thảo luận hiệu quả hơn. Bởi mỗi trẻ đều đã có thời gian tự suy nghĩ trước khi chia sẻ ý tưởng với các bạn khác.
Làm thế nào để thực hành phương pháp Think, Pair, Share?
Phương pháp Think, Pair, Share là lựa chọn lý tưởng khi bạn muốn hướng dẫn con mình – đứa trẻ vốn chưa quen với việc học tập theo kiểu hợp tác.
Có thể sử dụng phương pháp này trong rất nhiều tình huống. Tuy nhiên, để hiệu quả, bạn nên áp dụng các bước sau:
1. Đưa ra cho trẻ một câu hỏi hoặc vấn đề cụ thể.
Ví dụ: Đặt những câu hỏi từ phức tạp “Con nghĩ nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí?” tới những yêu cầu rõ ràng như: “Hãy tạo ra một mô hình mô phỏng công thức a, b, a, b”.
Lưu ý: Nên đưa ra câu hỏi có nhiều đáp án. Như vậy, mới khuyến khích được nhiều ý tưởng khác nhau ở trẻ. Và nhờ đó, trẻ cũng mới có thứ để chia sẻ với nhau.
Nếu chỉ đặt những câu hỏi đơn giản như “5+2 là gì?”, trẻ sẽ dễ cảm thấy nhàm chán. Hơn nữa, câu hỏi dạng này khiến trẻ không có nhiều đáp án để chia sẻ.
2. Ở bước “Think” (Suy nghĩ)
Đề nghị trẻ yên lặng suy nghĩ, tìm ý tưởng. Trẻ có thể viết ra giấy những suy nghĩ trong đầu.
3. Ở bước “Pair” (Bắt cặp)
Đề nghị trẻ thảo luận ý tưởng với một bạn khác. Bạn có thể đặt giới hạn thời gian cho 2 bước “Think” và “Pair”. Nhưng nhớ thông báo rõ cho trẻ. Đồng thời phải đảm bảo có đủ thời gian để 2 bạn được lần lượt trao đổi cùng nhau.
4. Ở bước “Share” (Chia sẻ)
Trẻ có thể chia sẻ ý tưởng của mình bằng nhiều cách.
Đề nghị tất cả đứng lên. Từng trẻ phát biểu ý kiến, sau đó ngồi xuống. Nếu bạn nào có cùng ý tưởng, cũng sẽ ngồi xuống theo. Tiếp tục như vậy cho tới khi không còn ai đứng.
Đề nghị trẻ trả lời nhanh, lần lượt từng bạn một. Ghi câu trả lời của trẻ lên một tấm bảng hoặc điền vào một biểu đồ hình (Graphic Organizer) được chuẩn bị sẵn.
Dừng lại sau bước “Pair” (Bắt cặp). Đề nghị trẻ viết ra ý tưởng của mình. Thu lại và đánh giá khả năng hiểu của trẻ tới đâu.
Ảnh: Pinterest
Làm thế nào để nâng cấp độ tư duy cho trẻ?
– Tạo cơ hội cho trẻ bắt cặp với nhiều bạn khác nhau. Trẻ sẽ được thử thách khi phải đối thoại với những bạn có sự khác biệt lớn với mình, về tính cách, lối suy nghĩ…
– Lặp lại bước “Pair” (Bắt cặp) thêm 1 lần nữa trước khi chuyển sang bước “Share” (Chia sẻ).
-
Trẻ bắt cặp với 1 bạn để trao đổi ý tưởng. Sau đó, bắt cặp với một bạn khác trước khi chia sẻ ý tưởng với cả nhóm.
-
1 cặp trẻ này nhập nhóm với 1 cặp trẻ nữa để cùng thảo luận, trao đổi. Cách bắt cặp đôi này rất hiệu quả nếu bạn có một nhóm trẻ đông và câu hỏi/vấn đề đưa ra khá khó.
Sử dụng phương pháp Think, Pair, Share khi nào?
1. Môn đọc/học tiếng Anh
Bạn cho trẻ áp dụng phương pháp Think, Pair, Share khi thảo luận về những nhân vật cụ thể trong sách.
Ví dụ, nếu đọc cuốn “The Great Gilly Hopkins” (tác giả Katherine Paterson), đề nghị trẻ á dụng Think, Pair, Share để trả lời câu hỏi: “Con có muốn làm bạn với Gilly không? Tại sao?”.
2. Viết
Hướng dẫn trẻ về phương pháp Think, Pair, Share để dạy trẻ học về quá trình viết.
Nếu bạn đề nghị trẻ chọn 1 chủ đề, sau đó viết về chủ đề đó, trẻ có thể bị bí và không viết nổi. Giúp việc này trở nên dễ dàng hơn bằng cách:
-
Đặt câu hỏi ngay từ đầu: “Ý tưởng cho câu chuyện đến từ đâu?”.
-
Đề nghị trẻ áp dụng phương pháp Think, Pair, Share để lên danh sách các ý tưởng khi viết.
3. Toán
Phương pháp Think, Pair, Share hữu ích với môn Toán khi trẻ gặp bài toán có nhiều đáp án đúng. Hãy áp dụng phương pháp này khi bạn ra các đề bài liên quan tới việc dự đoán, tạo mẫu, logic…
4. Nghiên cứu xã hội
Các nội dung của môn nghiên cứu xã hội học tạo nhiều cơ hội để trẻ thực hành phương pháp Think, Pair, Share. Đặc biệt, khi bạn giới thiệu với trẻ một chủ đề mới. Bạn có thể đặt ra cho trẻ những câu hỏi như: “Con đã biết gì về cuộc cách mạng xanh?”.
5. Khoa học
Khi tiến hành thí nghiệm, phương pháp Think, Pair, Share giúp trẻ đưa ra giả thuyết hoặc thảo luận dự đoán của trẻ về kết quả thí nghiệm.
Ví dụ, khi làm thí nghiệm về mật độ, đề nghị trẻ vận dụng phương pháp Think, Pair, Share để xác định xem một nhóm vật thể nào sẽ nổi khi được đặt vào bồn nước.
Theo Teacher Vision