Quan niệm về đọc hiểu
Đọc hiểu là hoạt động cơ bản của con người để lĩnh hội tri thức và bồi dưỡng tâm hồn.
Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe, và dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc.
Hiểu là trả lời được các câu hỏi Cái gì? Như thế nào? Làm thế nào?, tức là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát được nội dung và có thể vận dụng vào đời sống.
Đọc hiểu là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng- sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt.
Khi đọc một văn bản, người đọc hiểu ở mức độ trưởng thành là phải thấy được:
-
Thể loại của văn bản, nội dung của văn bản; mối quan hệ ý nghĩa của cấu trúc văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng;
-
Thấy được tư tưởng, ý đồ, mục đích của tác giả gửi gắm trong tác phẩm;
-
Đối với văn bản là tác phẩm văn học: cảm nhận được giá trị đặc sắc của các hình tượng, yếu tố nghệ thuật; ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản.
Như vậy, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản thông qua khả năng tiếp nhận của người đọc. Đọc hiểu tác phẩm văn chương là tiếp xúc với văn bản, hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Đọc hiểu là quá trình thâm nhập vào văn bản với thái độ tích cực, chủ động.
Việc dạy năng lực đọc hiểu trong nhà trường
Cho tới nay, yêu cầu về đọc hiểu trong nhà trường tại Việt Nam chú trọng nhiều về đọc hiểu tác phẩm văn học, và thường hướng tới các vấn đề cụ thể sau:
-
Nhận biết đúng, chính xác về văn bản: Thể loại của văn bản (các phong cách ngôn ngữ như phong cách ngôn ngữ khoa học, báo chí, chính luận, nghệ thuật, hành chính, sinh hoạt); hiểu đề tài, nhan đề, chủ đề, tóm tắt được các nội dung của văn bản; hiểu các phương thức biểu đạt của văn bản (phương thức tự sự, biểu cảm, thuyết minh…); hiểu các thao tác lập luận (thao tác phân tích, bình luận, chứng minh, bác bỏ…)
-
Thông hiểu, đánh giá đúng văn bản: Cảm nhận được những đặc sắc, nổi bật của văn bản (từ ngữ, hình ảnh,chi tiết quan trọng, đặc sắc, các biện pháp tu từ…); hiểu được ý nghĩa hàm ẩn của văn bản, đánh giá được nội dung, ý nghĩa của văn bản bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình.
-
Vận dụng văn bản để giải quyết một vấn đề cụ thể: Liên hệ mở rộng một vấn đề nào đó từ văn bản bằng suy nghĩ, ý kiến của mình; vận dụng văn bản để trình bày phương hướng, biện pháp giải quyết một vấn đề cụ thể của cuộc sống, của xã hội.
Ở các nước có nền giáo dục phát triển, năng lực đọc hiểu được đặc biệt quan tâm trong chương trình giáo dục của mọi khối lớp. Và năng lực đọc hiểu các văn bản phi hư cấu (non-fiction) cũng được được biệt quan tâm. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về phương cách bồi đắp năng lực đọc hiểu.