1Chọn những chủ đề hấp dẫn cả 2 bé
Hãy tìm kiếm những cuốn sách thú vị mà các con có thể “đọc”. Ví dụ: Blue Hat, Green Hat của Sandra Boynton hay Five Little Monkeys Jumping on the Bed của Eileen Christelow. Trẻ mầm non có thể đếm và gọi tên màu sắc. Trong khi trẻ độ tuổi chập chững biết đi sẽ bị thu hút bởi những hình minh hoạ rực rỡ. Hơn nữa, nhịp điệu bắt tai và cấu trúc dạng điệp khúc giúp cả hai nhận biết âm thanh ngôn ngữ rõ hơn. Trong khi đó, bạn cũng góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển đọc – viết của con.
2Xem xét mức độ phức tạp của nội dung và chủ đề cuốn sách
Nếu con lớn của bạn nghĩ 1 cuốn sách quá dễ với mình, con có thể không hứng thú. Đồng thời, đứa con nhỏ cũng dễ nản khi sách quá khó. Hãy thử chọn những cuốn sách hơi vượt tầm một chút so với con nhỏ và thu hút con lớn. Bạn có thể bất ngờ bởi sự chú ý đặc biệt của bé thứ hai.
3Chọn sách có đủ đặc điểm của một câu chuyện để đọc to cho trẻ
Nội dung câu chuyện hay thì có thể thu hút bất cứ lứa tuổi nào. Đó là những cuốn sách có hành động, nhân vật mạnh mẽ, đối thoại hấp dẫn và mạch truyện rõ ràng. Hình minh hoạ giàu màu sắc cũng là điểm cần lưu ý. Như vậy, bạn có thể chọn truyện dân gian và cổ tích để đọc cho con. Sách tranh không lời cũng là gợi ý hay bởi trẻ có thể tự “đọc” câu chuyện theo cách của mình.
4Cùng đọc nhiều loại sách khác nhau
Trong khi con bạn có thể thích một số thể loại nhất định, tạo điều kiện để con tiếp xúc với nhiều dạng sách khác. Ví dụ, phi hư cấu, thơ… Trẻ sẽ được mở rộng kiến thức về thế giới, tăng cường vốn từ vựng. Bạn cũng có thể để con thay phiên nhau chọn sách mỗi ngày.
5Thiết lập thời gian đặc biệt mỗi ngày để cả nhà cùng đọc sách
Một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì tình yêu đọc suốt đời cho con là biến việc đọc sách thành một phần trong lịch trình hàng ngày của gia đình. Như đã nói ở trên, vốn hiểu biết, vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu của trẻ nhờ thế sẽ tăng lên.
6Tìm thời gian để đọc riêng cho từng con
Thời gian đọc chung có thể giúp trẻ hiểu nhiều hơn về sách, về việc chia sẻ và về nhau. Nhưng trẻ cũng cần thời gian riêng với bạn. Khi đó, bé tự do chọn cuốn sách mình thích, đặt bao nhiêu câu hỏi tuỳ ý…
Biến thời gian đọc sách cho 2 con thành khoảng thời gian ý nghĩa
Khi đọc to sách cho con, bạn nên nắm bắt những dấu hiệu từ trẻ để làm cho việc đọc trở thành trải nghiệm ý nghĩa. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:
7Tìm cách để thu hút cả 2 con
Thông thường, trẻ lớn hơn ghi nhớ các phần của cuốn sách yêu thích. Do đó, bạn có thể gợi ý trẻ “đọc” to lên cho em nghe. Với trẻ nhỏ hơn, chỉ vào các bức tranh và mô tả chúng cho con. Bạn và bé lớn cũng có thể hợp tác để thử thách bé nhỏ. Ví dụ: đề nghị con tìm ra tất cả hình ảnh về cún, về hoa… trong sách. Khi trẻ lớn dần lên, bạn có thể bé tiếp xúc gần hơn với câu chuyện. Cụ thể là khích lệ bé nghĩ về hành động của nhân vật, dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Nhớ đừng lo lắng nếu trẻ tỏ vẻ xao nhãng. Ngay cả khi nghịch đồ chơi trong lúc bạn đọc to sách cho con, trẻ có thể vẫn ghi nhớ mọi lời bạn nói.
8Kết hợp trò chơi, thử thách vào việc đọc sách
Bạn có thể thay đổi các từ, đổi tên nhân vật thành tên con. Dựa trên biểu hiện của con để đơn giản hoá ngôn từ trong sách hay trò chuyện về những gì đang diễn ra. Bạn cũng có thể đề nghị con tự kể lại câu chuyện. Trẻ lớn hơn thậm chí còn sáng tạo ra bước ngoặt, kết thúc truyện của riêng mình. Điều quan trọng nhất là bạn và các con đều vui khi cùng khám phá thế giới sách.
9Chuẩn bị tâm lý đón nhận những lần ngắt quãng
Đó là một phần của quá trình học hỏi. Khi con đòi bạn dừng đọc để làm rõ một ý, con đã chủ động hiểu về câu chuyện. Nhưng quá nhiều lần ngắt quãng lại có thể làm hỏng quá trình đọc sách. Trường hợp này, bạn hãy giải thích với con rằng, sẽ đọc sách trước và sau đó trả lời câu hỏi của con.
Trò chuyện về sách sau khi đọc sách
Trò chuyện về những cuốn sách bạn và con đã đọc cùng nhau giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc hiểu. Đồng thời, bạn hiểu con hơn về những gì làm trẻ hứng thú, quan tâm. Sau đây là một số mẹo nhỏ khi bạn thực hiện hoạt động trò chuyện về sách với con:
10Dừng lại và trò chuyện
Đề nghị con gọi tên các vật thể trong sách hay dự đoán chuyện gì xảy ra tiếp theo. Bạn cũng có thể hỏi về cảm nhận của con trước một nhân vật, diễn biến nào đó.
11Đặt câu hỏi phù hợp với sở thích và tuổi của trẻ
Với trẻ nhỏ, câu hỏi sẽ dừng ở mức đơn giản như gọi tên nhân vật, nhận biết nhân vật. Với trẻ lớn hơn, các câu hỏi sẽ hướng bé suy nghĩ nhiều hơn, vươn ra khỏi phạm vi câu chuyện. Ví dụ:
-
Bạn Nana trong truyện gợi cho con nhớ tới ai? Vì sao con lại nghĩ tới người đó?
-
Con nghĩ tại sao tác giả lại dùng từ đó?
-
Phần nào của truyện khiến con nghĩ bạn cún nhỏ sẽ được an toàn ở cuối truyện?
-
Điều gì khiến cậu bé ấy là nhân vật con thích?
12Dùng câu chuyện làm kịch bản
Trẻ sẽ thích thú khi được đóng vai nhân vật mình thích. Ngoài việc diễn lại phân cảnh ấn tượng, trẻ có thể tự tạo nhân vật mới, cảnh mới cho mình. Đóng vai giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và sử dụng sáng tạo từ ngữ. Hơn nữa, khi tạo ra thế giới mới, trẻ bắt đầu hiểu về nhân vật, cấu trúc truyện, điểm nhìn của tác giả.
Theo Reading Rocket