5Đi mua thực phẩm cùng con
Dạy trẻ cách so sánh giá cả và các nhãn hiệu khi đi mua thực phẩm. Nếu bạn thanh toán hoá đơn hay trò chuyện về tài chính, hãy để con quan sát cách bạn quản lý tiền bạc. Đừng sợ trẻ sẽ có suy nghĩ không tốt nếu bạn đang rơi vào khủng hoảng. Đó chính là bài học thực tế và hiệu quả nhất để dạy trẻ không phạm sai lầm tương tự.
6Sắp xếp, dọn dẹp phòng ngủ/phòng chơi
Hãy biến việc này trở nên vui nhộn bằng cách để con thoả sức chọn màu, phân loại và sắp xếp đồ. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể cùng con lập kế hoạch, đặt mục tiêu và phác thảo các bước tiến hành. Tất cả đều là cơ hội tuyệt vời để giúp trẻ định hình thói quen của người trưởng thành.
7Học trên đường đi
Một chuyến đi chơi dù gần dù xa đều là dịp để bạn thoải mái trò chuyện cùng con về rất nhiều chủ đề. Ví dụ: khám phá các loại xe lưu thông trên đường, các biển báo giao thông… Trò chuyện về thời tiết, phong cảnh ven đường cũng rất vui.
Nếu gia đình bạn đi dạo buổi tối và tình cờ gặp một bạn trẻ đang hút thuốc lá. Hãy tận dụng tình huống này để trò chuyện với con về tác hại của thuốc lá. Còn với một kỳ nghỉ ở biển, bạn có thể bày trò chơi viết chữ/từ trên cát để con đọc thật nhanh trước khi sóng cuốn đi.
Những điều bạn không nên làm
Nếu không khéo léo, những bài học lồng ghép trong tình huống thực có thể khiến trẻ mệt mỏi, chán nản. Hãy luôn nhớ phải làm cho bài học “thật vui”. Khi đó, trẻ mới hấp thu và ghi nhớ dễ dàng. Đồng thời, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Những cuộc đối thoại sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và lập luận. Sau đây là những việc cha mẹ nên tránh:
1. Nói quá nhiều
Nếu bạn dạy trẻ một bài học quan trọng, hãy giải thích bằng 1-2 câu dễ hiểu với trẻ. Tránh nói nhiều hơn bởi bạn sẽ làm tăng nguy cơ “nói dài nói dai thành nói dại”. Thay vào đó, bạn nên chú ý tới cách truyền tải thông tin: giọng điệu, cảm xúc, dáng vẻ của bạn khi nói.
2. Phản ứng quá đà
La hét có thể làm hỏng những khoảnh khắc chứa đựng bài học ý nghĩa với trẻ. Phần lớn phụ huynh có xu hướng biến các chủ đề quan trọng thành các bài rao giảng lê thê. Tệ hơn, họ giảng giải trong tâm trạng đang vô cùng bực bội, giận dữ. Theo nhà tâm lý họ Koh, phụ huynh đôi khi bị cuốn đi theo cảm xúc, kỳ vọng của mình. Do đó, họ lệnh cho con phải làm gì đó thay vì hướng dẫn trẻ đi tới quyết định hợp lý dựa trên kỹ năng và kiến thức.
Hãy nhớ rằng, bạn không cố gắng thuyết phục con đồng ý với mình hay đứng về phe mình. Mục tiêu của bạn là dạy dỗ trẻ! Ngay cả khi trẻ bất đồng với bạn, hãy tận dụng điều đó để cho trẻ thấy, bất đồng ý kiến không có gì sai. Nhưng điểm mấu chốt là thể hiện bất đồng một cách lịch sự và tôn trọng sự khác biệt.
3. Can thiệp tuỳ tiện
Không có gì huỷ hoại khoảnh khắc chứa đựng bài học ý nghĩa cho trẻ hơn việc liên tục chỉ dạy trẻ ngay khi trẻ mới bắt đầu thử điều gì đó mới hay tự làm một việc gì. Trừ khi trẻ đề nghị giúp, hãy để trẻ tự kiểm nghiệm quy luật thuỷ triều và trọng lực. Chỉ cần bạn theo sát con để đảm bảo an toàn là đủ.
4. Chỉ ra những điều đã quá rõ ràng
Đây là sai lầm của không ít cha mẹ và đi kèm với đó là phản ứng thái quá. Đâu cần nhắc đi nhắc lại với trẻ rằng khoảnh khắc đó, trẻ đã bất cẩn/vô ý/ích kỷ/lười biếng như thế nào. Dạy con biết yêu bản thân mình quan trọng hơn nhiều việc dạy con trở nên hoàn hảo.
Theo Smart Parents