Kỹ năng ôn tập 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi quốc gia
Thi THPT quốc gia: Kỹ năng ôn tập 3 môn thi bắt buộc
Học sinh lớp 12 bắt đầu giai đoạn ôn tập kiến thức 3 môn thi bắt buộc toán, ngữ văn, tiếng Anh cho kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.
Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp:
Trung tâm học toán Thầy Trường mở các lớp học toán các bậc phụ huynh tham khảo tại đây: học thêm toán 12, học thêm toán 11, học thêm toán 10, học thêm toán 9 , luyện thi vào 10, học thêm toán 8 , học thêm toán 7, học thêm toán 6.
Những điểm lưu ý cho môn toán
Theo thạc sĩ Huỳnh Thị Hoàng Dung, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM), ngoài nắm vững lý thuyết, công thức thì việc luyện bài tập là yếu tố quan trọng trong quá trình ôn tập của học sinh (HS). Không được làm tắt khi làm bài, nên thực hiện các phép biến đổi một cách cẩn thận và chậm rãi nếu bài toán đã có hướng giải quyết đúng. Cần lưu ý đặt điều kiện cho bài toán có nghĩa, sau khi giải phải kiểm tra kết quả, thử lại các nghiệm xem đúng hay sai.
Theo cấu trúc đề thi của Bộ đưa ra trong những năm trước, thí sinh nên lưu ý các điểm sau đây: Việc khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, hết sức lưu ý việc tính đúng đạo hàm. Để giải tốt bài toán phương trình lượng giác và bài toán liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình đại số, ngoài việc thuộc nhuần nhuyễn các công thức, biết cách biến đổi và vận dụng các công thức, cần nghĩ đến 2 phương pháp giải chủ yếu là đặt nhân tử chung và đặt ẩn phụ.
Với bài toán tích phân, khi ôn tập nên chú ý đến phương pháp tích phân từng phần và phương pháp đổi biến. Đây là câu hỏi dễ và có thể vận dụng kiến thức để giải các bài toán trong đời sống thực tiễn nên cần hiểu rõ ứng dụng của tích phân để tính diện tích và thể tích. Về số phức, thí sinh chỉ cần nhớ các công thức cơ bản, các thao tác tính toán đơn giản là có thể làm được. Về giải tích tổ hợp và xác suất, phải nắm vững quy tắc đếm, hoán vị, tổ hợp và chỉnh hợp.
Còn dạng bài toán hình học không gian nếu không giải được bằng phương pháp hình học thuần túy thì nên tìm cách đưa hệ trục tọa độ vào để chuyển thành bài toán hình giải tích trong không gian. Trong cấu trúc đề có một bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng với hệ tọa độ Oxy. Đây là câu hỏi khó, HS nên ôn lại những kiến thức hình học của lớp 9 và lớp 10.
Câu khó nhất dùng để phân loại thí sinh, thường là câu bất đẳng thức hoặc tìm giá trị max hay min. Để làm được câu này đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy độc lập, có óc chủ động sáng tạo, có khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết một vấn đề, không làm theo khuôn mẫu.
Làm bài văn nghị luận
PGS-TS Đinh Phan Cẩm Vân, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng phần kiến thức trong đề thi môn văn thường để kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản. Đây là câu hỏi thuộc bài nên cần trả lời chính xác, ngắn gọn, không quá chú trọng vào việc dùng câu chữ đẹp, diễn đạt mượt mà… Nội dung chính nên trả lời theo hình thức gạch đầu dòng để phân tách ý rành mạch. Tuy nhiên, cũng cần có những câu mở và kết để phần trả lời thực sự hoàn hảo.
Câu hỏi nghị luận xã hội thường xoay quanh các chủ đề tư tưởng đạo lý và những hiện tượng trong xã hội. HS lưu ý, phần giải thích rất quan trọng nhưng nếu thấy từ ngữ đó có thể nêu được khái niệm mà không thể nào giải thích được thì nên nêu nội dung chung để tránh trường hợp giải thích sai.
Câu nghị luận văn học là câu có số điểm nhiều nhất nên HS không nên học tủ văn xuôi hay thơ mà nên chú ý các dạng đề như: Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm, cảm nhận về hình tượng văn học, so sánh các hình tượng văn học, bình giảng thơ hay đoạn văn… Với những dạng câu hỏi trên, HS không chỉ cần có kỹ năng phân tích mà phải có khả năng tổng hợp khái quát vấn đề.
Tiếp cận các văn bản nước ngoài
Để HS làm tốt những đề thi tiếng Anh theo cấu trúc như những năm qua, giáo viên Lê Thanh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) lưu ý về kiến thức phát âm đọc đuôi “s”, “es”, “ed’, dấu nhấn của các từ có 2 hoặc 3 âm tiết. Về ngữ pháp, khi ôn tập HS cần nắm vững công thức và luyện tập các bài tập về thì, câu điều kiện, câu bị động, mệnh đề quan hệ, câu ước, câu tường thuật, phép đảo ngữ, cách dùng giới từ, mạo từ, cụm động từ.
Ngoài ra, ông Thanh Tùng cho biết Bộ thường sử dụng ngữ liệu đề thi là các đoạn văn trên các tạp chí của nước ngoài hoặc trong sách nước ngoài để đảm bảo văn phong. Do vậy HS cần chuẩn bị vốn từ vựng phong phú, càng nhiều càng tốt. Trong quá trình ôn luyện nên sưu tầm các bài báo hoặc các tác phẩm văn học nước ngoài đọc và làm quen kỹ năng đọc lướt, gặp từ mới thì đoán nghĩa để tìm ra nghĩa của toàn đoạn văn.