Lò luyện thi vắng bóng sĩ tử
Lò luyện thi vắng như Chùa Bà Đanh
Không “cò” mời chào, không phát tờ rơi hay lời giới thiệu ồn ào, các lò luyện thi đại học cấp tốc ở Hà Nội năm 2015 đìu hiu, ảm đạm lạ thường so với các thời điểm này các năm trước. Những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đã tác động lớn tư duy “dùi mài kinh sử” của các thí sinh.
Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp:
Trung tâm học toán Thầy Trường mở các lớp học toán các bậc phụ huynh tham khảo tại đây: học thêm toán 12, học thêm toán 11, học thêm toán 10, học thêm toán 9 , luyện thi vào 10, học thêm toán 8 , học thêm toán 7, học thêm toán 6.
Lò luyện thi vắng bóng sĩ tử
Vào thời điểm này năm trước, các lò luyện thi cấp tốc tại Hà Nội “nóng” xình xịch, bội thu với hàng nghìn thí sinh “lớp 13” ở các tỉnh và các em học sinh lớp 12 ở thủ đô nườm nượp đến đăng ký học. Các lò luyện thi hoạt động hết công suất, phải tăng ca, kín lịch… Tuy nhiên, có mặt tại các trung tâm luyện thi có uy tín ở Hà Nội như dọc phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa hay ngõ 175, ngõ 98 Xuân Thủy, khu vực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... những ngày này vắng vẻ một cách lạ thường. Phần lớn các lò luyện thi ở đây đều cửa đóng then cài, dù ngoài cửa vẫn treo biển quảng cáo dày đặc các khóa mới.
Nguyễn Thị Oanh - nhân viên phát tờ rơi, quảng cáo của một trung tâm luyện thi trên phố Tạ Quang Bửu - uể oải cho biết: Thỉnh thoảng mới có người ghé qua trung tâm nhưng chủ yếu để hỏi về lịch thi thử và học phí mà không có ý định đăng ký học. “Tầm này những năm trước, trung tâm lúc nào cũng chật cứng học sinh. Mỗi khóa học tổ chức 5 - 6 lớp khác nhau, thậm chí mỗi ngày 4 ca là chuyện bình thường, nhưng năm nay chật vật mãi mới tổ chức được lớp gần 30 em. Nhiều trung tâm chuyển thành cửa hàng photocopy hoặc cho thuê văn phòng làm việc” - nhân viên thu ngân tại một trung tâm ở Chùa Bộc ngán ngẩm cho biết.
Các trung tâm luyện thi đại học khu vực Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cũng không khá khẩm hơn. Con ngõ nhỏ 336 Thanh Xuân dài khoảng 100m những năm trước tấp nập phụ huynh và các em học sinh đến đăng ký học, nhưng năm nay chỉ có duy nhất “Nhà luyện thi số 01” còn mở cửa. Em Nguyễn Thị Quỳnh Nga (quê ở Hải Hậu, Nam Định, đã ra Hà Nội ôn thi từ đầu tháng 3) cho biết, lớp ôn thi của em đến nay vẫn vắng hoe. Phòng học của lớp chứa được hơn trăm người nhưng hôm nào đông lắm lớp mới èo uột có khoảng 20 bạn.
Đa dạng phương pháp ôn thi
Lò luyện thi cấp tốc không còn là phương pháp được các em ưu tiên lựa chọn như những năm trước, thay vào đó là những kế hoạch ôn thi khoa học và chủ động hơn. Ngoài ra, việc Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và đổi mới công tác tuyển sinh vào ĐH, CĐ đã tác động nhiều đến tâm lý của học sinh. Đoàn Hương Giang (học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng) kể, thay vì đến trung tâm, em và các bạn cùng lớp đều tham gia lớp ôn thi do nhà trường tổ chức. Em nói: “Thầy cô trực tiếp giảng dạy chúng em trên lớp có thể nắm bắt rõ khả năng và lực học của từng người để từ đó điều chỉnh và cân đối chương trình dạy và ôn thi. Khi có thắc mắc, em có thể trao đổi với thầy cô dễ dàng hơn”.
Cũng theo Giang, để đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, em đã lên kế hoạch chi tiết học cho cả năm học lớp 12. Theo đó, em “chia nhỏ” kiến thức cơ bản của các môn học rồi đặt mục tiêu hoàn thành trong từng tuần và từng tháng. Môn nào yếu, em học nhiều hơn các môn khác một vài buổi để cân bằng, tránh bị học lệch. “Năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thi môn năng khiếu báo chí, do đó, không chỉ dừng lại ở việc học toán - anh - văn, mỗi buổi tối em đều xem chương trình thời sự để cập nhật thêm những thông tin, sự kiện diễn ra hằng ngày, phục vụ cho bài thi trắc nghiệm sắp tới” - Giang vui vẻ nói.
Trịnh Minh Dương (học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) chọn phương thức tự ôn trực tuyến qua internet. Mỗi buổi tối, Dương dành ra 60 phút để truy cập những trang như thaytro, academy, dethi, onthi,… cập nhật những đề thi và dạng bài làm mới nhất. Dương nói: “Với phương pháp học này, em cảm thấy hứng thú hơn. Học trực tuyến không chỉ tiết kiệm được chi phí và thời gian, mà còn giúp em chủ động hơn trong việc đánh giá sức học của mình qua các bài kiểm tra, làm lại đề thi đại học”.
Thầy Nguyễn Ngọc Anh (giáo viên môn toán, Trường THPT Lê Hồng Phong) cho biết, các đề thi ĐH-CĐ các năm trước đây đã bám sát chương trình học phổ thông, năm nay việc thí sinh thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, chắc chắn đề thì càng phải bám chương trình học, do đó, các em không nên chủ quan với những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập. Hơn nữa, hình thức thi trắc nghiệm cũng buộc người học phải ôn luyện toàn diện và đổi mới phương thức ôn tập. Dù học nhóm, học trực tuyến hay ôn thi tại trường, việc tự học mỗi ngày vẫn là nền tảng chính mà các em cần đặt lên hàng đầu.
“Đề thi năm 2015 cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ có tính phân loại học sinh rõ ràng, để đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi này rất khó nhưng đạt điểm 7 hay 8 không hề khó với các em học sinh khá. Sau mỗi chương, phần học, các em cần nắm được những dạng bài, đề mục, nội dung ghi chú quan trọng trong sách. Có như vậy, các em mới có thể bình tĩnh, tự tin vượt ‘vũ môn’ thành công” - thầy Ngọc Anh lưu ý thêm.
Theo báo Lao động