Ôn thi đại học khối C: Thí sinh nên bắt đầu từ đâu?
Chia sẻ kinh nghiệm học khối C cho sĩ tử trong kỳ thi Đại học
Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp:
Trung tâm học toán Thầy Trường mở các lớp học toán các bậc phụ huynh tham khảo tại đây: học thêm toán 12, học thêm toán 11, học thêm toán 10, học thêm toán 9 , luyện thi vào 10, học thêm toán 8 , học thêm toán 7, học thêm toán 6.
Khi kỳ thi tốt nghiệp của các em học sinh lớp 12 vừa kết thúc, kỳ thi Đại học đầy cam go lại đang bắt đầu. Nghe một vài tâm sự của các em học sinh về các môn học xã hội, xem danh sách của các em đăng ký thi khối C mà tôi buồn lòng vô cùng.
Từng là một học sinh khối C tốt nghiệp cấp III năm 2004, tôi thi đậu vào Đại học Luật Hà Nội, khối C với số điểm tương đối (20,5). Dưới đây, tôi xin chia sẽ một vài kinh nghiệm học khối C cho các sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất, quyết định đến tương lai sau này của các em.
Trước hết, đối với môn lịch sử là môn học mà nhiều em cho là “khó nhằn” nhất. Môn học này đòi hỏi các em phải có một tư duy lôgíc, và phương pháp khoa học để đạt hiệu quả cao.
Thứ nhất, các em cần ôn kỹ từng phần của mỗi bài trong sách giáo khoa, sau mỗi bài học tự làm nghiêm túc các câu hỏi cuối bài, đây là những câu hỏi kiến thức cơ bản, quan trọng nhất trong mỗi bài học mà các em cần nắm được.
Khi ôn tập xong mỗi chương, mỗi giai đoạn lịch sử, các em cần có một bảng tóm tắt những nội dung quan trọng gắn với từng mốc lịch sử và đây sẽ là tài liệu bất ly thân trong quá trình các em ôn luyện. Bởi chỉ khi nắm được nội dung tổng quát nhất, các em mới làm được những câu hỏi về nội dung cụ thể, gắn với một giai đoạn lịch sử và tránh nhầm lẫn sự kiện trong quá trình làm bài.
Ôn thi đại học khối C: Học theo bảng tổng hợp các sự kiện
Sau khi đã ôn luyện toàn bộ chương trình, các em cần có một bảng tổng hợp những sự kiện lịch sử đầu tiên là tưng giai đoạn lớn, sau đó các em chia nhỏ những giai đoạn lịch sử quan trọng rồi từng năm có những sự kiện quan trọng nào. Trước ngày thi, chỉ cần nhìn qua sơ đồ là có thể nhớ lại toàn bộ nội dung chương trình.
Thứ hai, đối với bộ môn Văn: Môn văn bây giờ có nhiều câu hỏi mở giúp các em được thể hiện quan điểm, suy nghĩ riêng của bản thân. Tuy nhiên, để làm được những câu hỏi mở đạt điểm cao các em cũng cần có một hiểu biết nhất định về những kiến thức xã hội. Đặc biệt là những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội nổi bật đang diễn ra tại thời điểm hiện tại các em liên hệ vào đề thi sẽ được đánh giá rất cao.
Với những đề thi về kiến thức trong chương trình học, một yêu cầu bắt buộc là các em phải học thật kỹ từng tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm và những nội dung quan trọng trong tác phẩm. Các tác phẩm thơ- cần học thuộc toàn bài, các tác phẩm văn xuôi - cần đọc kỹ và học thuộc một số đoạn, một số câu mang tính chất điểm nhấn của tác phẩm để khi làm bài trích dẫn vào bài viết tăng tính thuyết phục cho bài làm.
Ngoài ra, các em cũng cần nhớ những đoạn văn, những câu thơi trong các tác phẩm khác có mối quan hệ đến nội dung tác phẩm đang làm bài để khi cần thiếu có thể trích dẫn tăng tính phong phú cho bài viết của mình.
Ôn thi đại học môn Địa lý
Thứ ba đối với môn Địa lý có lẽ là môn “nhẹ ký” hơn so với môn Lịch sử và môn Ngữ văn. Bởi lẽ, môn địa có tính thực tế, gần gũi với các em hơn nhiều so với những sự kiện lịch sử, hay những vần thơ văn bay bổng.
Một vài bí quyết nhỏ khi học môn Địa lý là các em không được rời xa bản đồ. Khi học đến nội dung liên quan đến vùng nào, trong đầu các em phải tưởng tượng ra vị trí địa lý của vùng đất đó. Từ đó sẽ có mối liên hệ về điều kiện tự nhiên, vị trí … phục vụ cho bài làm.
Trong quá trình ôn luyện các em có thể dành thời gian vẽ bản đồ, đánh dấu những đặc điểm của từng khu vực (Ví dụ: Với khu vực Tây Nguyên những điểm nào có nhiều khoáng sản, phổ biến nhất là khoáng sản gì…). Nhờ đó, khi làm bài, mọi hình ảnh về vị trí địa lý, đặc điểm của vùng đất sẽ hiện lên trong trí nhớ qua hình ảnh về bản đồ sẽ giúp các em làm bài tự tin, tránh nhầm lẫn đặc điểm của các vùng với nhau.
Một kinh nghiệm chung mà tôi đã từng tự ôn luyện rất thành công khối C là việc tự căn thời gian làm đề thi ở nhà một cách nghiêm túc giống như khi thi thật. Các em có thể sưu tầm đề thi học sinh giỏi, đề thi thử Đại học, đề thi học kỳ hoặc các đề thi đại học của những năm trước, sau đó tự bấm giờ làm bài theo đúng thời gian quy định, các em cần làm nghiêm túc, cẩn thận như khi đang trong phòng thi thật, không được dùng tài liệu.
Trong quá trình thử làm đề, những kiến thức nào không nhớ, hoặc nhớ không rõ các em ghi lại vào một tờ giấy, sau khi làm xong các em giở lại tài liệu để xem phần kiến thức mình chưa rõ và bổ sung vào bài làm. Một vài lần như vậy các em sẽ nhớ kiến thức rất tốt và khi vào phòng thi, những phần kiến thức mà các em đã tự làm bài ở nhà các em sẽ rất nhớ và làm bài tự tin hơn nhiều. Muốn được như vậy, ngoài việc ôn luyện nghiêm túc, các em cần tự làm thật nhiều đề, liên quan đến tất cả nội dung chương trình học.
Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ ôn thi đại học khối C của bản thân tôi đã áp dụng thành công. Chúc các sĩ tử năm nay đạt được kết quả cao nhất, mong các em đã chọn khối C hãy tìm cho mình một phương pháp học khoa học. Khi đã tìm ra cách học tốt nhất, thì khối C sẽ không còn mang tiếng là những môn học “khó nhằn” như các các em nghĩ. Chúc các em thành công!