25 hoạt động giúp bé 0-11 tuổi đọc sách thật vui (P2)
Những hướng dẫn chi tiết về các hoạt động khi đọc sách cho trẻ từ 0 tuổi tới hết lớp 6 của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ rất đáng để phụ huynh tham
khảo.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 10, học thêm toán 9 tại Hà Nội)
1Hoạt động 8: Thế giới ngôn từ
(Ảnh: Brightly)
Sau đây là những gợi ý để tạo môi trường gia đình phong phú từ vựng:
Bạn sẽ cần:
-
Giấy
-
Bút chì, bút sáp màu, bút đánh dấu
-
Keo dán
-
Tạp chí, báo cũ
-
Kéo
Phải làm gì?
-
Treo poster bảng chữ cái lên tường phòng ngủ hay tự tạo một tấm cùng con. In ra các chữ cái khổ to. Chữ in hoa thường dễ học với trẻ nhỏ hơn.
-
Dán nhãn cho những bức tranh mà con bạn vẽ. Nếu trẻ vẽ một ngôi nhà, hãy đính kèm câu “Đây là ngôi nhà” rồi dán lên tủ lạnh.
-
Để con quan sát khi bạn viết danh sách những thứ cần mua sắm hoặc danh sách việc cần làm. Nói to các từ có trong danh sách và in từng chữ cái ra.
-
Đề nghị con cùng lập danh sách. Giúp con ghép các chữ cái và đánh vần từ.
-
Đọc báo, tạp chí cũ với con. Tìm một bức tranh đẹp, chỉ cho con, đồng thời đọc to phần mô tả lên.
-
Sáng tạo một cuốn album ảnh. Cắt tranh ảnh về người, địa danh… rồi viết kèm phần mô tả.
Bằng cách thường xuyên tạo cơ hội để con tiếp xúc với chữ cái, từ vựng, trẻ sẽ bắt đầu nhận mặt chữ. Thế giới từ ngữ sẽ trở nên vô cùng thân thiện.
2Hoạt động 9: Viết
Viết giúp trẻ trở thành người đọc tốt hơn. Và đọc sách từ đó lại giúp trẻ trở thành người viết tốt hơn.
Bạn sẽ cần:
-
Bút chì, bút sáp màu hoặc bút đánh dấu
-
Giấy hoặc vở
-
Bảng và phấn
Phải làm gì?
-
Đề nghị con đọc cho bạn chép lại một câu chuyện. Có thể bao gồm phần mô tả về bối cảnh và hoạt động. Đi kèm với những “phụ kiện” như lá vàng, hoa cỏ, thiệp sinh nhật, tranh ảnh. Trẻ lớn hơn có thể tự làm những hoạt động này.
-
Dùng bảng và phấn như một cách lôi cuốn trẻ viết nội dung nào đó có chủ đích.
-
Luôn đặt các dụng cụ như bút, giấy… trong tầm với dễ dàng của trẻ.
-
Khích lệ trẻ hình thành thói quen viết bằng hoạt động viết nhật ký, viết truyện. Đặt câu hỏi giúp trẻ sắp xếp câu chuyện. Hãy giải đáp cho con những thắc mắc về chữ cái, cách đánh vần. Gợi ý con chia sẻ hoạt động này với anh/chị/em/bạn bè.
-
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của bạn về những gì con viết. Đừng quá lo ngại chuyện sai chính tả. Theo thời gian, bạn có thể giúp con tập trung vào việc viết đúng chính tả.
Khi trẻ bắt đầu viết, trẻ phải đối mặt với khả năng bị phê bình, trách mắng. Và cần tới lòng can đảm để tiếp tục. Nhiệm vụ của cha mẹ chính là giúp con có được sự can đảm ấy. Chúng ta có thể làm việc này bằng cách bày tỏ sự trân trọng của mình dành cho nỗ lực của con.
(Ảnh: New Jersey Family)
3Hoạt động 10: Tìm kiếm các cuốn sách
Điều quan trọng là tìm kiếm những cuốn sách mà cả bạn lẫn con đều yêu thích. Chúng sẽ giúp định hình ấn tượng đầu tiên của trẻ về việc đọc sách.
Bạn sẽ cần:
Những cuốn sách hay
Phải làm gì?
-
Đề nghị bạn bè, hàng xóm, giáo viên chia sẻ những tựa sách yêu thích của họ.
-
Ghé thăm thư viện địa phương và sớm nhất có thể, hãy làm thẻ thư viện cho bé. Đề nghị sự giúp đỡ của thủ thư trong việc tìm sách. Luôn cùng con chọn sách, lựa sách.
-
Tìm kiếm các cuốn sách đoạt giải. Hoặc bạn có thể chọn sách được các trang uy tín giới thiệu.
-
Đọc các mục giới thiệu/nhận xét/chia sẻ sách hay trên mạng về các tựa sách thiếu nhi ấn tượng.
-
Nếu bạn và con không thích một cuốn sách nào đó, mạnh dạn đặt nó sang một bên để chọn cuốn khác.
Hãy nhớ rằng, trình độ đọc và nghe của trẻ không giống nhau. Khi bạn đọc những cuốn sách dễ, trẻ sẽ nhanh chóng đọc theo bạn. Khi bạn đọc nhiều sách khó hơn, bạn sẽ truyền tình yêu các câu chuyện cho con và xây dựng động lực giúp con thành người đọc suốt đời.
4Hoạt động 11: Đọc cho mẹ nghe
Quan trọng là đọc sách cho con và quan trọng không kém để nghe con đọc. Trẻ sẽ tăng cường hứng thú khi có ai đó trân trọng những kỹ năng đang trong quá trình phát triển của mình.
Bạn sẽ cần:
Những cuốn sách phù hợp với trình độ đọc của con bạn.
Phải làm gì?
-
Lắng nghe chăm chú khi con đọc.
-
Đổi phiên. Bạn đọc một đoạn và con đọc đoạn tiếp. Hoặc bạn đọc nửa trang, con đọc nửa trang còn lại. Khi trẻ dần quen với việc đọc to, để con đọc nguyên 1 trang sách. Nhớ rằng, trẻ có thể tập trung nhiều hơn vào cách đọc từ thay vì nghĩa của từ đó. Và phần đọc của bạn sẽ giúp câu chuyện liền mạch hơn.
-
Nếu con bạn gặp khó khăn khi đọc các từ, bạn có thể giúp con bằng nhiều cách:
-
Đề nghị con bỏ qua từ đó và đọc phần còn lại của câu. Sau đó, nói cho con biết ý nghĩa của câu chuyện khi có từ bị bỏ qua đó.
-
Hướng dẫn trẻ vận dụng những gì đã biết về âm của các chữ cái.
-
Đưa ra từ chính xác.
-
Nói với con bạn tự hào về những nỗ lực và kỹ năng của con
Lắng nghe con đọc to mang tới cơ hội để bạn bày tỏ sự trân trọng của mình đối với những cố gắng của con khi luyện đọc. Quan trọng nhất, đây là một cách để bạn và con tận hưởng niềm vui đọc cùng nhau.
5Hoạt động 12: Những câu chuyện gia đình
Những câu chuyện gia đình làm giàu thêm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Bạn sẽ cần:
Thời gian để trò chuyện cùng con.
Phải làm gì?
-
Kể cho trẻ nghe những câu chuyện về bố mẹ bạn, ông bà bạn. Bạn có thể đưa những câu chuyện này vào một cuốn sách và thêm vào album ảnh những bức ảnh gia đình cũ.
-
Đề nghị con kể truyện về những gì đã diễn ra vào các dịp đặc biệt, như kỳ nghỉ, sinh nhật, chuyến du lịch…
-
Nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu của bạn. Mô tả những gì xảy ra ở trường liên quan tới thầy cô giáo và môn học bạn học. Nói về anh chị em, bạn bè của bạn.
-
Cùng con viết nhật ký chuyển đi để tạo nên một câu chuyện gia đình mới. Ghi lại những sự kiện trong này và đính kém ảnh vào các trang nhật ký. Bạn có thể viết về những sự kiện thường ngày như chuyến đi siêu thị, chuyến đi chơi công viên.
Sẽ có ích cho con bạn nếu trẻ biết những câu chuyện người thực, việc thực. Khi trẻ lắng nghe, chúng sẽ biết được giọng điệu người kể chuyện. Việc này giúp trẻ nghe các từ khi bắt đầu học cách đọc to hoặc đọc thầm.
6Hoạt động 13: P.S: I love you
Có điều gì đó quan trọng xảy ra khi trẻ nhận và viết những lá thư. Trẻ hiểu rằng những chữ viết là có mục đích cụ thể.
Bạn sẽ cần:
-
Giấy
-
Bút, bút sáp màu hay bút đánh dấu
Phải làm gì?
-
Gửi cho con những lời nhắn nho nhỏ (đặt vào trang vở hay cặp sách của con). Khi con cho bạn thấy tờ giấy nhắn, đọc to nó lên với biểu cảm rõ ràng. Một số trẻ có thể tự mình đọc giấy nhắn.
-
Khi trẻ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ liên quan tới 1 người, đề nghị con viết thư cho người đó. Nếu trẻ chưa biết viết, để trẻ đọc nội dung muốn nhắn gửi và bạn sẽ viết hộ con.
Ví dụ:
Bà thân yêu của cháu,
Cháu rất thích cuốn sách và chiếc áo len bà tặng cháu. Cháu đã đọc đi đọc lại cuốn sách 10 lần.
Cháu của bà,
Tôm
Tái bút: Cháu yêu bà!
-
Đề nghị người nhận được thư hồi âm cho con. Hồi âm qua điện thoại cũng tốt và nếu bằng thư tay thì càng tuyệt vời.
-
Giải thích về quá trình viết cho con: Chúng ta có những ý tưởng > biến ý tưởng thành ngôn từ > viết ra giấy > người khác đọc> trả lời.
Ngôn ngữ là nói, nghe, đọc, viết . Mỗi thành tố này hỗ trợ và làm giàu cho nhau. Gửi thư giúp trẻ viết tốt hơn và viết giúp trẻ đọc giỏi hơn.
Theo Reading Rocket