DR-TA – phương pháp dạy trẻ kỹ năng dự đoán
DR-TA là gì?
Directed Reading-Thingking Activity (DR-TA) nghĩa là hoạt động đọc-tư duy theo hướng dẫn. Đây là phương pháp dạy học, hướng dẫn trẻ thực hành kỹ năng dự đoán về văn bản. Sau đó, trẻ đọc văn bản để xác nhận hoặc bác bỏ dự đoán của mình.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 10, học thêm toán 11 tại Hà Nội)
Ảnh: Reading Strategies
Tại sao dạy trẻ dự đoán bằng DR-TA lại quan trọng?
-
Phương pháp hướng dẫn trẻ đọc-tư duy khích lệ trẻ trở thành người đọc chủ động và biết suy ngẫm.
-
Nó cũng có tác dụng củng cố khả năng đọc hiểu của trẻ.
-
Thông qua phương pháp hướng dẫn trẻ đọc-tư duy, đặc biệt chú trọng vào kỹ năng dự đoán, bạn có thể giúp kích hoạt kiến thức nền của trẻ.
-
Luyện tập đều đặn, trẻ sẽ có cơ hội thuần thục cả kỹ năng đọc lẫn kỹ năng tư duy phản biện.
Các bước cụ thể của phương pháp DR-TA dạy trẻ kỹ năng dự đoán
1. Giới thiệu
Con đã biết gì về chủ đề này?
2. Dự đoán
-
Nhìn vào tựa đề, con nghĩ câu chuyện kể về gì? Tại sao con nghĩ vậy?
-
Nhìn vào hình ảnh, con nghĩ câu chuyện kể về gì? Tại sao?
3. Chứng minh hoặc bổ sung/thay đổi dự đoán
Sau khi đọc mỗi phần, trả lời các câu hỏi sau:
-
Giờ con nghĩ gì?
-
Con có thể chứng minh dự đoán của mình, hoặc con có cần chỉnh sửa gì dự đoán ban đầu của con không?
-
Con nghĩ điều gì xảy ra tiếp theo? Tại sao con nghĩ vậy?
4. Nghiền ngẫm, suy tưởng
Sau khi đọc toàn bộ văn bản, trả lời các câu hỏi sau:
-
Con tìm thấy chi tiết nào trong văn bản chứng minh dự đoán của con?
-
Con tìm thấy chi tiết nào trong văn bản khiến con phải thay đổi dự đoán ban đầu của mình?
Làm thế nào để thực hành phương pháp dạy trẻ dự đoán DR-TA?
Trước khi áp dụng phương pháp này với trẻ, cần tạo ra bầu không khí mà ở đó trẻ được tự do thể hiện ý tưởng và chia sẻ suy nghĩ của mình. Điều này đặc biệt cần thiết nếu trẻ thuộc tuýp nhút nhát, ngại mạo hiểm. Do những trẻ này muốn đúng ngay lần đầu tiên trả lời câu hỏi, DR-TA có thể là thử thách với trẻ. Bởi nó yêu cầu trẻ dự đoán điều chưa biết. Do đó, không thể tránh khỏi dự đoán bị sai. Bạn có thể phải xem xét việc đề nghị trẻ viết dự đoán vào nhật ký học tập hơn là chia sẻ công khai ra. Khích lệ trẻ để trẻ không sợ mạo hiểm hay phải chịu áp lực luôn đúng khi đưa ra dự đoán.
Bước 1:
-
Trước hết, chọn 1 đoạn văn.
-
Xác định nhiều điểm dừng lại hợp lý để trẻ đưa ra dự đoán, làm rõ dự đoán hoặc chỉnh sửa dự đoán.
-
Lưu ý không làm gián đoạn mạch văn bản quá nhiều lần. Bởi nó có thể tác động ngược tới khả năng hiểu của trẻ.
Một số lưu ý khác:
-
Khi sử dụng phương pháp DR-TA, hướng dẫn và khích lệ tư duy của trẻ bằng các câu hỏi.
-
Đưa ra các câu hỏi mở, động viên trẻ khẳng định dự đoán của mình. Trân trọng và ủng hộ mọi ý tưởng trẻ có.
-
Chờ vài phút sau khi đặt câu hỏi. Thời gian này để trẻ tiếp nhận thông tin, hình thành dự đoán.
Bước 2:
-
Viết tựa đề cuốn sách/đoạn văn bản lên bảng hoặc ra giấy.
-
Hỏi trẻ: “Dựa theo tiêu đề này, con nghĩ đoạn văn sẽ nói về chuyện gì?”.
-
Chấp nhận và ghi lại mọi dự đoán của trẻ.
-
Tiếp tục hỏi: “Tại sao con nghĩ thế?” để khích lệ trẻ chứng minh cho câu trả lời của mình. Đây cũng là cơ hội để kích hoạt kiến thức nền của trẻ.
-
Xem qua phần minh hoạ và/hay tên của đoạn văn. Đề nghị trẻ xem xét lại dự đoán trước đó dựa trên thông tin mới này. Đưa ra những thay đổi nếu có.
Bước 3:
-
Đề nghị trẻ đọc thầm văn bản.
-
Dừng lại ở phần đầu tiên của văn bản. Thảo luận cùng trẻ để làm rõ hoặc chỉnh sửa dự đoán trước đó.
-
Đề nghị trẻ trích dẫn chi tiết trong văn bản để xác nhận/thay đổi dự đoán của mình.
-
Hỏi trẻ: “Chi tiết nào trong văn bản khiến con nghĩ vậy? Con có thể chứng minh không?”. Đưa ra thay đổi cho các dự đoán trước đó của trẻ.
-
Lặp lại quá trình này cho tới khi trẻ đọc từng phần của văn bản.
Bước 4:
-
Khi trẻ đã cảm thấy quen hơn với quá trình trên, đề nghị trẻ viết dự đoán vào nhật ký học tập của mình. Hoặc có thể viết ra một tờ giấy.
-
Bạn cùng thảo luận, chia sẻ suy nghĩ với con. Nếu có nhóm trẻ, sẽ rất tốt khi tiến hành hoạt động thảo luận, chia sẻ theo nhóm.
-
Đề nghị trẻ viết tóm tắt, so sánh dự đoán của mình so với nội dung văn bản.
Nếu trẻ chưa biết đọc, bạn vẫn có thể áp dụng phương pháp này dạy trẻ dự đoán. Thay vì DR-TA, sẽ là DL-TA (Directed Listening-Thinking Activity) – hoạt động nghe-tư duy theo hướng dẫn. Quá trình diễn ra tương tự. Chỉ là bạn đọc văn bản cho con thay vì để con tự đọc.
Làm thế nào để nâng cấp độ tư duy của trẻ?
Bạn có thể nâng dần mức độ khó của văn bản. Văn bản càng phức tạp, việc hiểu và phân tích sẽ càng khó hơn. Khi đó, trẻ sẽ cần vận dụng kiến thức, sự lập luận để đưa ra/làm rõ/chỉnh sửa dự đoán của mình.
Bạn cũng nên nắm rõ trình độ đọc của con. Ngoài ra, cần sẵn sàng để đưa ra những câu hỏi, gợi ý và trợ giúp phù hợp.
Áp dụng phương pháp DR-TA khi nào?
1. Đọc/học tiếng Anh
Sử dụng phương pháp DR-TA khi:
-
giới thiệu một cuốn sách tranh mới đến trẻ nhỏ
-
hoặc cuốn sách chương hồi mới đến trẻ lớn.
Với trẻ nhỏ, bạn có thể cần đọc to cuốn sách cho trẻ. Với trẻ lớn, đề nghị trẻ đưa ra dự đoán trước khi bắt đầu từng chương. Với chương đầu tiên, bạn có thể đề nghị trẻ dự đoán dựa trên những cuốn sách khác của cùng tác giả/cùng thể loại trẻ từng đọc.
2. Viết
Sau khi trẻ đọc văn bản sử dụng phương pháp DR-TA, đề nghị trẻ viết tóm tắt về:
-
dự đoán ban đầu của trẻ
-
lý do tại sao dự đoán đó chính xác hoặc cần chỉnh sửa
Trẻ sẽ dùng chi tiết trong văn bản để giải thích ý tưởng của mình.
3. Toán
-
Áp dụng phương pháp DR-TA khi giải dạng toán có lời văn.
-
Đề nghị trẻ dự đoán các phép toán (cộng, trừ, nhân, chia) hoặc thông tin (1 tá=12) cần để giải bài toán dựa trên tiêu đề, minh hoạ và từ khoá.
-
Đề nghị trẻ lý giải dự đoán của mình trước khi giải toán.
4. Nghiên cứu xã hội
-
Đề nghị trẻ xem qua một chương trong sách giáo khoa môn nghiên cứu xã hội.
-
Sử dụng tiêu đề, từ vựng in đậm, bản đồ, biểu đồ để đưa ra dự đoán.
-
Khi trẻ đọc chương đó, đề nghị trẻ lý giải dự đoán của mình.
-
Cuối mỗi chương, thảo luận cùng trẻ về các dự đoán.
-
Đề nghị trẻ tóm tắt thông tin mình học được vào nhật ký học tập.
5. Khoa học
-
Đề nghị trẻ xem trước một bài báo nghiên cứu về một chủ đề trẻ thích.
-
Sử dụng tiêu đề, từ vựng, bảng biểu và kiến thức nền để đưa ra dự đoán
-
Khi trẻ đọc bài báo, đề nghị trẻ lý giải dự đoán dự đoán và rút ra kết luận.
-
Đề nghị trẻ viết một đoạn nhật ký học tập dựa trên dự đoán và nội dung văn bản.
Ví dụ áp dụng phương pháp DR-TA dạy trẻ dự đoán
Cuốn sách: David Goes to School
Tác giả: David Shannon
Hướng dẫn trẻ đưa ra những dự đoán ban đầu về nội dung dựa trên:
-
Tiêu đề sách
-
Hình minh hoạ
Bạn có thể hỏi trẻ: “Cậu bé đứng ở đâu trên trang bìa?”; “Cậu bé đang làm gì?”; “Tên cậu bé là gì?”
Trẻ có thể trả lời: cậu bé đứng ở trước một lớp học, đang quậy phá gì đó… Cậu bé trên trang bìa có thể chính là David.
Các điểm dừng lại khi đọc sách để trẻ đưa ra dự đoán, lý giải dự đoán:
-
“No, David No Yelling, no pushing, no running in the halls”
-
“David raise your hand!”
-
“Wait your turn, David!”
-
“That’s it Mister! You’re staying after school!
-
“David, have you finished?”
Với mỗi lần dừng lại này, bạn đề nghị trẻ suy nghĩ để:
-
dự đoán sự việc xảy ra tiếp theo
-
hoặc làm rõ, chỉnh sửa dự đoán trước đó của trẻ.
Theo Teacher Vision, Reading Rocket