10 kỹ năng sống trẻ cần biết trước khi lên cấp 2
Kỹ năng sống rất quan trọng bởi chúng giúp trẻ xử lý thành công những thử thách trong cuộc sống và trong giao tiếp với người xung quanh.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 8 , học thêm toán 9 , luyện thi vào 10 tại Hà Nội)
1Tự thu dọn đồ sau khi chơi xong
Trước khi vào lớp 6, trẻ nên thành thạo trong việc tự lau dọn mỗi khi chơi xong. Ngay cả khi gia đình bạn có giúp việc, trẻ vẫn cần tự làm những việc đơn giản. Ví dụ: mang bát đĩa của mình ra bồn rửa sau khi ăn xong, lau bàn, cho quần áo bẩn vào máy giặt… Giải thích với con rằng việc làm của con sẽ giúp cả nhà như thế nào. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành thói quen nghĩ tới người khác, thay vì chỉ làm việc có lợi cho mình. Đừng vội mong con sẽ thành thạo việc nhà ngay từ đầu. Cha mẹ cũng tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực, chỉ trích, la mắng con. Thay vào đó, hãy khích lệ trẻ bằng cách khen ngợi và ghi nhận những nỗ lực của con.
2Tự soạn sách vở
Trẻ 4 tuổi nên biết tự soạn cặp sách/balo của mình. Tất nhiên, bạn vẫn sẽ kiểm tra lại trước khi đưa con đến trường. Bởi vì có khả năng balo của bé chất đầy đồ chơi thay vì những thứ thật sự cần thiết cho việc học ở trường mầm non. Nhưng trước khi vào Tiểu học, việc này bé nên tự hoàn thành việc này mà không cần sự giám sát từ bạn. Khi soạn sách vở, trẻ có thể kiểm tra bài về nhà đã làm đầy đủ chưa. Hoặc nếu có văn bản nào cần tới chữ ký phụ huynh thì bạn cũng sẽ biết ngay.
3Tự thức giấc
Việc “hò đò” mỗi sáng gọi con dậy đi học có lẽ là cảnh không hiếm gặp ở nhiều gia đình. Nhưng trẻ lớn và teen nhất định phải biết cách tự đặt chuông báo thức, tự dậy. Hãy bắt đầu bằng việc cho phép trẻ xử lý các công việc/hoạt động của mình trong ngày. Sau đó, trẻ sẽ tự hẹn giờ vào buổi tối và thức dậy vào buổi sáng hôm sau. Có thể thực hành trước vào những dịp cuối tuần cho tới khi bé thuần thục. Trường hợp con bạn liên tục tắt chuông báo thức đi, hãy để đồng hồ ở một nơi ngoài tầm với của trẻ.
4Nấu những món đơn giản
Ngay cả những đầu bếp “không có hi vọng nhất” cũng vẫn nên biết làm món trứng rán hay nấu một nồi mì mà không khiến chuông báo cháy kêu. Bạn có thể bắt đầu giúp con làm quen với việc nấu ăn bằng cách chỉ cho con dụng cụ nhà bếp. Hãy nhờ con lấy nguyên liệu, tiến tới sơ chế nguyên liệu giúp bạn. Trẻ học thông qua quan sát và bắt chước. Do đó, lúc đầu, có thể hơi phiền hà và bừa bộn, hãy mỉm cười đón bé vào gian bếp của bạn. Bạn cũng có thể mua sách dạy nấu ăn dành cho trẻ em để khơi dậy hứng thú cho bé.
5Tự đi tới những điểm gần nhà
Hãy hướng dẫn trẻ sử dụng phương tiện công cộng (xe buýt) để đến được một địa điểm nào đó không quá xa nhà. Giao cho trẻ một nhiệm vụ và để trẻ đi bằng xe buýt. Trước đó, bạn nhớ hướng dẫn con cách xem bản đồ.
6Trò chuyện với người lạ
Thay vì dạy con không được nói chuyện với người lạ, bạn nên cố gắng dạy con cách phân biệt người lạ bình thường và người lạ “xấu”. Một số trẻ tính nhút nhát nên gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người mình không quen. Tuy nhiên, đây là kỹ năng sinh tồn bé cần phải có. Bởi trẻ sẽ gặp rất nhiều người khác nhau trong đời mình. Và trẻ cần phải biết tương tác với họ như thế nào.
7Tự quản lý tiền của mình
Con bạn nên có thói quen tiết kiệm tiền để phòng những lúc cần dùng tới. Ngoài ra, bé cũng nên biết cách sống đủ với những gì hiện có thay vì tiêu hoang phí rồi quay ra xin thêm tiền từ bố mẹ. Khi trẻ lớn hơn, hãy xem xét việc cho trẻ tiền tiêu vặt hàng tuần thay vì hàng ngày. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách phân chia số tiền sao cho đủ dùng suốt tuần. Bạn cũng có thể đưa con đi siêu thị mua đồ cùng mình, nhờ con so sánh giá tiền và tính tổng chi phí.
8Gọi món khi đi ăn nhà hàng
Hãy lùi lại một bước và để nhiệm vụ gọi món cho con. Ngay cả khi trẻ mắc lỗi, bạn có thể chỉnh con nhẹ nhàng và đề nghị con thử lại. Nhiều trẻ rất thích tìm món ăn và tự gọi món. Nhưng trẻ lại thường mắc lỗi có lẽ do kinh nghiệm trước đó hay bị người lớn hối thúc hay phàn nàn vì không biết gọi, gọi chậm… Nếu con bạn ban đầu thiếu tự tin, bạn có thể cho phép con gọi mỗi món của mình trước, dần dần sẽ gọi cho cả nhà. Bạn cũng nên hướng dẫn con cách nói, cách hỏi người phục vụ khi gọi món như thế nào. Trẻ sẽ cảm thấy vững lòng và thoải mái hơn.
9Tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
Thực hiện việc này mà không xúc phạm người khác là một kỹ năng sống thiết yếu mà trẻ trước khi lên cấp 2 phải học. Kiên định và thô lỗ là hai phạm trù rất khác nhau. Mặc dù một người lớn có thể coi trẻ là thô lỗ, hỗn láo nếu trẻ tỏ ra bất đồng với họ. Vậy nên, nếu lần tới, trẻ phàn nàn với bạn về việc bị giáo viên quy cho một tội không làm, đừng vội vàng bảo vệ con trước nhà trường. Hãy dạy trẻ đáp lại một cách bình tĩnh, rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ lịch sự. Sau đó, nếu cần, bạn mới cần đích thân giải thích với giáo viên của con. Khi một đứa trẻ đứng lên tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, trẻ nên kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm gương mặt. Đó là những thứ đôi khi có thể biểu hiện sự thù nghịch hoặc mất binfht ĩnh.
10Quen thuộc với kỹ năng sơ cứu cơ bản
Ví dụ, khử trùng một vết thương hay cách băng bó. Trẻ cũng cần nhận biết mức độ nghiêm trọng của vết thương để có thể phải tới bác sĩ hay gọi xe cứu thương. Nhận biết dấu hiệu của một cơn sốt sắp đến hay các bệnh khác, tên và công dụng một số loại thuốc phổ biến cũng là cần thiết. Luôn nhắc trẻ về việc không được tuỳ tiện dùng thuốc bởi nó có thể nguy hiểm và dẫn tới quá liều.
Theo Smart Parents