5 cách giúp trẻ hiếu động bình tâm trở lại
Hiếu động quá mức có thể gây ra nhiều khó khăn cho bản thân trẻ và cả bạn nữa. Làm sao để giảm nhẹ mức độ hưng phấn của trẻ mà không cần phải thường xuyên la hét?
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 6 , học thêm toán 12 , luyện thi vào 10 tại Hà Nội)
Trẻ có bản tính hiếu động, luôn thích chạy nhảy, vận động liên tục. Do đó, đề nghị trẻ ngồi xuống, giữ im lặng trong vài phút chẳng khác nào yêu cầu trẻ… nín thở lâu. Khi ở nhà, việc trẻ quá hiếu động không phải chuyện đáng lo ngại. Nhưng ở nơi công cộng, rắc rối có thể xảy ra. Hãy hình dung việc phải chạy đuổi theo con khắp mấy tầng trung tâm thương mại. Hay không ngừng nhắc con phải giữ trật tự, đừng quá gây tiếng ồn… Tại sao có những bé cư xử rất ổn, trong khi con bạn lại nhảy tưng khắp phòng như một cơn lốc nhỏ?
Lý giải từ chuyên gia
Tiến sĩ Kim Boon Leng, nhà tâm lý học Singapore, giải thích, có những trẻ ưa thích vận động hơn các bạn khác.
“Tương tự có một số trẻ cao, số khác lại thấp. Khả năng tập trung và duy trì sự chú ý có sự khác biệt giữa các bé. Những trẻ không thể làm vậy nhanh chán hơn và bắt đầu cựa quậy, muốn chạy nhảy. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị rối loạn tăng động giảm chú ý – ADHD”.
Tiến sĩ Vaani Gunaseelan, nhà tâm lý học lâm sàng ở Singapore, cho biết thêm, trẻ gặp các vấn đề về lo âu cũng biểu hiện sự bứt rứt, không ngừng dịch chuyển.
Hành vi tăng động cũng có thể thấy ở trẻ mà các giác quan gặp khó khăn khi xử lý thông tin dưới áp lực kích thích quá nhiều. Theo Tiến sĩ Gunaseelan, tầm 4 tuổi trở lên, phần lớn trẻ mới có trí nhớ tốt hơn và có thể tập trung lâu hơn. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ lại phát triển khác nhau, phụ thuộc vào môi trường sống, khả năng tiếp xúc với kích thích và hành vi của trẻ.
Do đó, dừng quá lo ngại nếu con bạn không thể ngồi yên “dù chỉ một phút”. Chỉ là con chưa phát triển đủ sự kiên nhẫn để tập trung vào một việc gì đó trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy việc con quá hiếu động ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày, hãy đưa con tới khám ở một bác sĩ nhi chuyên về phát triển ở trẻ.
Trường hợp, bạn đã áp dụng cách nuôi dạy con tích cực mà không hiệu quả hoặc nếu trẻ có các biểu hiện sau, nên đưa con khi khám:
-
Trẻ thường xuyên thiếu chú ý, tăng động hoặc biểu hiện bồn chồn, bứt rứt.
-
Gặp khó khăn khi học tập hoặc tương tác thường ngày với mọi người.
-
Trẻ thổ lộ với bạn rằng trẻ cảm thấy tồi tệ hoặc chán nản vì hành vi của chính mình.
-
Có sự thay đổi bất thường trong hành vi sau một chấn thương đầu hoặc cơn sốt.
Trường hợp không có biểu hiện gì đáng lo ngại ở con nhưng trẻ vẫn khó ngồi yên trong chốc lát, bạn có thể áp dụng một số bí quyết sau:
Đưa con ra ngoài trời
Tận hưởng không khí trong lành sẽ là sự thay đổi cần thiết cho bé sau thời gian dài ở trong nhà. Con sẽ hấp thu vitamin D từ ánh nắng mặt trời trong lúc xả năng lượng cho các hoạt động vận động mạnh. Nhờ đó, con sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn khi về nhà. Tiến sĩ Lim khẳng định: “Chơi ngoài trời với con giúp cải thiện mối quan hệ giữa bạn và con. Nhờ đó, tăng cơ hội con nghe lời bạn hơn. Ngoài ra, các hoạt động theo cặp/nhóm ngoài trời đòi hỏi nỗ lực thần kinh giúp củng cố và khích lệ hành vi tốt ở trẻ”.
Khéo léo làm con xao lãng
Tiến sĩ Lim khuyên các phụ huynh: “Giúp trẻ bận rộn với các hoạt động thú vị cũng có tác dụng làm cho trẻ bớt hiếu động hơn”. Nếu đến nơi công cộng, bạn nên mang theo mấy món đồ chơi hoặc một hoạt động mà con bạn có thể giải trí. Ví dụ, sách tô màu hoặc chiếc xe ô tô con thích có thể đánh lạc hướng sự chú ý của con. Nhờ đó, con sẽ bớt chạy nhảy lung tung hoặc làm ồn.
Xen kẽ quãng nghỉ ngắn trong một hoạt động
Trẻ nhỏ có quãng chú ý ngắn hơn. Do đó, trẻ thường chỉ tập trung được khoảng vài phút trước khi tâm trí bắt đầu “rong chơi”. Nếu con bạn về bản tính ưa vận động, thích chạy nhảy, đề nghị con ngồi yên trong thời gian dài có thể dẫn tới những cơn bùng phát năng lượng. Tiến sĩ Lim gợi ý nên chia nhỏ hoạt động thành từng phần và có quãng nghỉ thích hợp. Lúc đó, trẻ sẽ đi dạo ngắn, hò hét lớn tiếng một chút để xả bớt năng lượng trước khi trở lại với hoạt động còn dở.
Góc bình yên
Theo Tiến sĩ Lim, hãy đưa con ra khỏi môi trường nhiều kích thích. Nhờ đó, con sẽ có thời gian để bình tâm trở lại. Tiến sĩ Vaani gợi ý thêm, bạn có thể lấy một góc nhỏ trong nhà, gọi đó là “góc bình yên”. Khi nào cảm thấy bị quá tải, trẻ có thể ngồi vào đó để “hạ nhiệt”.
Cơ chế thưởng phạt hợp lý
Bất cứ khi nào con biểu hiện tốt, hãy thưởng cho con bằng hệ thống điểm thưởng. Bạn có thể lập một biểu đồ và đánh dấu sao vào những lần con hoàn thành việc tốt trong thời gian hợp lý. Trẻ có thể dùng sao này để đổi một lần đi ăn nhà hàng, một chuyến đi hiệu sách… Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, hậu quả chỉ nên được đưa ra khi trẻ có hành vi đặc biệt gây hại thay vì những lỗi nhỏ như hay cựa quậy trên ghế. Tiến sĩ Lim khuyên phụ huynh: “Khen ngợi hành vi tốt của con sẽ giúp củng cố hành vi tốt ấy. Cha mẹ nên tránh quá vụn vặt, la mắng trẻ vì những lỗi nhỏ hay bỏ qua cơ hội để ghi nhận nỗ lực của con”.