Cha mẹ làm gì để rèn tính tập trung cho trẻ?

Vì sao con chẳng bao giờ tập trung khi học, khi làm một việc nào đó? Làm thế nào để con tập trung hơn? Đó là vấn đề khiến nhiều cha mẹ đau đầu, đặc biệt với những gia đình có con chuyển từ mầm non lên lớp 1. Trong bài viết dưới đây, CTH Edu tổng hợp thông tin về vấn đề rèn tính tập trung cho trẻ.

(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 8 học thêm toán 9 luyện thi vào 10 tại Hà Nội)

Cụ thể:

  • Những biểu hiện kém tập trung của trẻ
  • Nguyên nhân trẻ không tập trung
  • Cha mẹ làm gì để rèn tính tập trung cho con?
  • Các hoạt động, trò chơi giúp rèn tính tập trung cho trẻ
  • Phương pháp Pomodoro giúp trẻ tập trung
  • Những biểu hiện kém tập trung của trẻ?

    1. Trẻ không tập trung khi học tập

    Đây có lẽ là mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh đối với con trẻ. Ngày nay, hiện tượng trẻ em ngồi học không tập trung, thiếu kiên trì xảy ra nhiều hơn. Trong giờ học, trẻ thích:

    • hoạt động chân tay,
    • nghịch các đồ vật xung quanh,
    • nằm bò ra bàn đồng thời nói tự do về các chủ đề không liên quan thay vì hoàn thành bài tập.

    Khi được bố mẹ nhắc, có những trẻ thậm chí không biết mình đang học phần nào. Có những trẻ trở lại bài học nhưng không thể hoàn thành bài vì không tập trung tư duy trước đó.

    Không chỉ trong những giờ học ở nhà, trên lớp học, trẻ thiếu tập trung thường thích:

    • trêu bạn,
    • nghịch bút,
    • vẽ bậy ra vở
    • hay nằm dài trên bàn.

    Có những khoảng thời gian trẻ ngồi yên trên ghế nhưng vẻ mặt lơ đãng, thiếu tập trung vào lời cô giáo giảng.

  • 2. Trẻ thiếu tập trung trong việc lắng nghe ý kiến từ người khác

    Tuy đây chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh nhưng lại là yếu tố gây nên những khó chịu dành cho trẻ. Những trẻ thiếu tập trung thường cũng ít khi đủ kiên trì để lắng nghe ý kiến từ người khác. Trong mỗi câu chuyện, trẻ thường lơ đãng, ngồi im lặng hoặc chạy tự do. Trẻ ít khi nhìn vào mắt người khác vì đó dường như không phải mối quan tâm của trẻ.

    3. Trẻ thiếu tập trung trong những trò chơi đòi hỏi tư duy và sự kiên trì

    Do những trò chơi trên cần nhiều thời gian nên việc tham gia của những trẻ thiếu tập trung thường cũng bị hạn chế. Trẻ thiếu tập trung thường có sự hứng thú hơn hẳn so với những trẻ khác khi bắt đầu trò chơi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, trẻ sẽ tự chơi theo cách của mình và phá vỡ trò chơi khi gặp phải những chỗ cần tư duy. Đối với những trò chơi đòi hỏi sự kiên trì, tập trung như Lego, tìm số, những trẻ thiếu tập trung chỉ chơi được một lúc sẽ bỏ dở hoặc phá phách đồ chơi,… Thường với những trẻ này, những điều mới lạ, liên tục mới thực sự “níu chân” được các bạn nhỏ.

    4. Trẻ “không ngồi yên một chỗ bao giờ”

    Có những trẻ không ngồi yên do sự hiếu động, thích khám phá, tìm tòi. Nhưng, trong những trường hợp, sự hiếu động thái quá, quậy phá, chơi những hoạt động nguy hiểm lại do một dạng bệnh lý gây nên đó là hiện tượng “tăng động, giảm chú ý” ở trẻ,… Một phần lý do là do trẻ có khả năng lắng nghe và phân tích thông tin kém, mặt khác là do đại não có sự hưng phấn ngắn dẫn đến việc các con chỉ tập trung được trong thời gian không dài, gen di truyền, môi trường sống rối loạn,… Trẻ ở thể này thường có nhiều biểu hiện ở cấp độ khác nhau và thường cần có sự can thiệp của những bác sĩ chuyên khoa.

    Nguyên nhân trẻ không tập trung

    Trẻ trong độ tuổi từ 3 – 6 tuổi mất tập trung trong một khoảng thời gian dài hơn 13 phút là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu ngay cả trong một khoảng thời gian rất ngắn trẻ cũng không tập trung được hoặc con của bạn đang ở độ tuổi 6 – 10 mà sự tập trung của bé cũng không hề được cải thiện chút nào so với giai đoạn trước, hãy xem xét đến những nguyên nhân dưới đây:

    1. Chế độ dinh dưỡng nghèo chất sắt

    Mất tập trung, chân tay bồn chồn, không thể ngồi yên trên ghế cũng là một trong những dấu hiệu chứng tỏ bé của bạn đang có một chế độ dinh dưỡng nghèo chất sắt. 

    Nhiều trẻ thường được bố mẹ cho ăn quá nhiều thức ăn chứa hàm lượng đường cao như bánh kẹo công nghiệp hay đồ ăn nhanh trong khi rất ít thực phẩm tươi như rau xanh, trứng hay sữa để bổ sung sắt. Thiếu sắt gây mệt mỏi thể chất, giảm chú ý, làm mất tập trung và gây ra những vấn đề về trí nhớ.

    2. Không được ngủ đủ giấc

    Trẻ em cần ngủ từ 10 đến 11 tiếng mỗi ngày. Cũng giống như người lớn chúng ta khi không được ngủ đủ giấc sẽ cảm thấy rất mêt mỏi, trẻ cũng sẽ có những biểu hiện giảm chú ý, trí nhớ kém hay hiếu động thái quá vào ban ngày nếu giấc ngủ không được đảm bảo về thời gian và chất lượng.

    3. Sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ

    Một số cha mẹ thường xuyên cho con sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh như iPad, smartphone. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, ánh sáng xanh phát ra từ tivi, máy tính, máy tính bảng hay điện thoại có thể phá vỡ nhịp sinh học, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đồng thời tia bức xạ từ những thiết bị đó sẽ làm giảm khả năng phát triển não bộ của trẻ, khiến trẻ tiếp nhận thông tin thụ động và dễ bị xao nhãng.

  • 4. Phương pháp giáo dục của gia đình

    Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng đến từ phương pháp dạy con của nhiều bậc phụ huynh, đó là tạo cho con những thói quen mất tập trung từ khi con còn rất nhỏ: vừa ăn vừa chạy chơi, vừa ăn vừa xem tivi, vừa viết bài vừa ăn vặt hay nói chuyện… 

    Một số trẻ không thể tập trung do thiếu tính kỷ luật mà phần lớn là do cha mẹ không uốn nắn con kiên trì, bé có thể bỏ dở giữa chừng mọi việc bất cứ khi nào bé muốn, lâu dần trở thành thói quen. Những việc làm này đôi khi xuất phát từ những mục đích tốt như muốn con ăn ngoan hơn, muốn con ngồi ngoan, không muốn ép con nhưng vô tình khiến con hình thành thói quen không tập trung làm một việc từ đầu đến cuối và càng lớn sẽ càng khó cải thiện.

    5. Không gian hoạt động gây xao nhãng

    Cuối cùng, cha mẹ hãy kiểm tra lại không gian hoạt động của bé tại nhà như phòng học, phòng ngủ, khu vui chơi… Không gian của bé có quá nhiều âm thanh, nhiều người qua lại, không đủ gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát cũng có thể là những nguyên nhân khiến bé khó tập trung, dễ xao nhãng sẽ ảnh hưởng đến não bộ của bé, có thể khiến trẻ bồn chồn, bứt rứt rất khó để tập trung dù khi vui chơi hay trong khi học.

    Cha mẹ làm gì để rèn tính tập trung cho con?

    1. Bồi dưỡng tính tập trung cần tuần tự từng bước

    Không tập trung, dễ phân tâm là đặc điểm của hầu hết trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì thời gian tập trung sự chú ý càng ngắn. Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, sự tập trung chú ý của các em chỉ được từ 7 đến 15 phút. Vì thế, cha mẹ không nên quá khắt khe yêu cầu con tập trung sự chú ý trong thời gian dài, cha mẹ hãy kiên nhẫn bồi dưỡng tính tập trung cho con một cách từ từ không nóng vội.

    2. Bồi dưỡng tính tập trung bắt đầu từ việc trẻ có hứng thú

    Chỉ khi làm những việc mình có hứng thú thì trẻ mới có thể chuyên tâm và tập trung chú ý. Sự chú ý của trẻ em dễ bị chi phối và khống chế bởi cảm hứng và tình cảm. Do đó, bồi dưỡng tính tập trung cần bắt đầu từ việc trẻ cảm thấy hứng thú. Nhất là với những vật thể mới lạ có khả năng biến hóa và thay đổi như con rối nhỏ có thể lắc lư cái đầu, gà mẹ có thể tự động đẻ trứng… đều khiến trẻ chú ý quan sát.

    Cha mẹ cũng cần chú ý không nên cho con quá nhiều đồ chơi và các vật dụng giải trí khác cùng một lúc. Khi xung quanh quá nhiều đồ chơi thì trẻ không thể tập trung vào một thứ nhất định được. Sự lựa chọn càng ít thì trẻ mới có hứng thú tìm tòi sáng tạo.

    3. Lặp đi lặp lại để tăng cường sức chú ý của trẻ

    Cho trẻ làm việc gì đó trong thời gian dài có ý nghĩa to lớn đối với khả năng chú ý của chúng trong tương lai. Ví như, trẻ rất thích nghe kể chuyện, kể lại nhiều lần một câu chuyện có thể bồi dưỡng tính tập trung và kỹ năng lắng nghe cho trẻ.

    Ngoài ra, cha mẹ có thể đưa ra yêu cầu và mục đích cụ thể trong quá trình học nhằm tăng cường sức chú ý của trẻ. Ví như, mẹ muốn con thuộc một bài hát, hãy yêu cầu con hát cùng mẹ. Qua vài lần hát cùng mẹ, bé sẽ dần thuộc được bài hát đó.

    4. Rèn luyện tính tập trung cho trẻ bằng trò chơi

    Có rất nhiều trò chơi giúp rèn luyện tính tập trung ở trẻ, đơn giản nhất là trò chơi “tìm lại đồ vật đã mất”. Cách chơi là cha mẹ và con cùng bày lên bàn một vài món đồ chơi, dạy trẻ đếm số lượng đồ chơi, gợi ý trẻ gọi ra tên các loại đồ chơi, ghi nhớ chủng loại của nó. Sau đó, nhân lúc trẻ không chú ý, cha mẹ lấy đi một hoặc vài thứ, rồi hỏi con “đồ vật nào không còn ở trên bàn nữa rồi?”. Câu hỏi này sẽ giúp trẻ tập trung hồi tưởng, quan sát, tìm kiếm. Trò chơi này rất đơn giản, linh hoạt và thực tế.

    Các hoạt động, trò chơi giúp rèn tính tập trung cho trẻ

    Với trẻ nhỏ, chơi mà học, học mà chơi. Vì vậy, phần này sẽ đi sâu vào các hoạt động, trò chơi được khuyến nghị để giúp trẻ tăng cường tính tập trung.

    1. Chơi ghép hình

    Ghép hình là một trong những trò chơi giúp bé phát triển tư duy, khả năng ngôn ngữ và khả năng tập trung tốt nhất. Trò chơi này cũng giúp mắt và tay bé linh hoạt hơn, tạo ra sự phối hợp giữa hai bộ phận này. Những mảnh ghép đầy màu sắc sẽ giúp bé cảm thấy phấn khích và đây cũng là công cụ giảng dạy tuyệt vời của cha mẹ.

    2. Trò chơi tưởng tượng hình khối

    Trẻ có thể chơi trò tưởng tượng hình khối một mình hoặc cùng các bạn hoặc cha mẹ của mình. Nhiệm vụ của bé là nhắm mắt, tập trung tưởng tượng ra một hình rồi vẽ kết quả ra giấy. Hình vẽ càng đúng chứng tỏ khả năng tập trung của trẻ khi chơi trò chơi này càng cao.

    3. Trò chơi quan sát tranh

    Trò chơi quan sát tranh không chỉ giúp trẻ tăng khả năng tập trung mà còn giúp bé phát huy trí tưởng tượng, tăng cường trí nhớ và khả năng quan sát của mình.

    • Cha mẹ hãy cho con nhìn một bức tranh nhiều chi tiết, điển hình nhất là tranh có các con vật hoặc tranh có ngôi nhà, bông hoa, cái cây, … trong 3-5 phút.
    • Sau khi cất bức tranh đi, hãy cho con khoảng 30 giây tập trung nhớ lại các chi tiết trong tranh và kể chúng ra lần lượt. Khoảng thời gian bé quan sát cũng là khoảng thời gian bé tập trung nhất.
    • Bé càng kể được nhiều và chính xác chứng tỏ khả năng tập trung và quan sát của bé càng cao.
    • Đối với các bé nhỏ tuổi và chưa nói được nhiều, cha mẹ có thể tối giản trò chơi bằng cách đưa một vài tấm hình có trong tranh và một vài hình không có trong tranh, sau đó để trẻ chọn ra hình mà trẻ nhìn thấy trong bức tranh.

    4. Trò chơi ngón tay

    Đúng như tên gọi, trò chơi ngón tay được thực hiện đơn giản trên chính 10 đầu ngón tay của trẻ. Cha mẹ hãy để trẻ xòe bàn tay ra rồi gập từng ngón tay. Sau khi gập từng ngón tay, cha mẹ lại để trẻ xòe từng ngón tay ra. Trò chơi này buộc trẻ phải rất tập trung để gập hay xòe từng ngón một. Nếu vội vàng, trẻ sẽ lập tức xòe hoặc nắm cả bàn tay.

    5. Trò chơi mê cung

    Thông qua việc tìm đường di chuyển trong mê cung, bé sẽ được rèn luyện khả năng tư duy, óc quan sát nhanh nhạy của mình. Đây cũng là trò chơi rèn luyện sự tập trung ở trẻ bởi con đường trẻ phải tìm có thể sẽ khá dài và bắt buộc trẻ không được sao nhãng trong suốt quá trình.

    Nguồn tham khảo: Ismartkids, Ucmas, DKN

 

Liên hệ với chúng tôi

Xem thêm

0979.263.759