Những câu chuyện ngắn dạy trẻ trung thực
Những câu chuyện là một trong nhiều trợ thủ đắc lực cho cha mẹ khi muốn dạy con trung thực. Trong truyện, trẻ có thể thấy tầm quan trọng của đức tính trung thực, hậu quả nặng nề khi nói dối… Đây sẽ là cách để trẻ dần thấm nhuần một cách tự nhiên bài học trung thực và áp dụng vào cuộc sống của mình.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 11 , học thêm toán 12 , luyện thi vào 10 tại Hà Nội)
Bạn có thể tìm thấy nhiều câu chuyện về đức tính trung thực trên mạng, trong sách. Trong bài viết này, tổng hợp một số câu chuyện ngắn mà bạn có thể thủ thỉ cùng con:
Hạt giống không nảy mầm
Thuở xưa có một ông vua cao tuổi mà không có con cái nên muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo và giao hẹn: Ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi và ai không có thóc sẽ bị trừng phạt.
Ở làng nọ có chú bé tên là Chôm mồ côi cha mẹ. Cậu cũng đi nhận thóc về và cố chăm sóc mà không một hạt thóc nào nảy mầm. Đến vụ thu hoạch, mọi người chở thóc về kinh đô thu nộp cho nhà vua. Chôm lo lắng, đến trước vua quỳ tâu:
– Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc của người nảy mầm được.
Mọi người sững sờ trước lời thú tội của Chôm, phen này sẽ bị phạt nặng nhưng nhà vua đã đỡ chú bé dậy, ôn tồn nói:
– Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kĩ rồi. Lẽ nào chúng còn nảy mầm được sao? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.
Rồi nhà vua dõng dạc tuyên bố:
– Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.
Ba lưỡi rìu
Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.
Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.
Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:
– Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?
Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:
– Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!
Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:
– Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.
Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:
– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?
Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:
– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.
Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:
– Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?
Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:
– Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ.
Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:
– Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!
Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:
-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.
Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:
– Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.
Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.
Đồng xu 100 yên
(Người Nhật dạy trẻ trung thực qua câu chuyện được một nhà báo kể lại).
Một hôm, cậu con trai Gregory (khi đó mới 5 tuổi) của anh Nicholas khi cùng bố đi dạo trên đường phố Nhật Bản đã nhặt được đồng xu 100 yên (trị giá khoảng bằng khoảng 1USD). Lúc này anh Nicholas quyết định làm theo cách của bố mẹ Nhật là đưa con đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo. Dù không thích và không muốn làm theo nhưng Gregory vẫn làm theo lời bố.
Khi đến đồn cảnh sát, bố con Nicholas đã dược đón tiếp bởi một cảnh sát trẻ tuổi. Anh ta đã hỏi rất tỉ mỉ về nơi cậu bé nhặt được đồng xu, thời gian, thông tin về nơi ở của Gregory, vị trí chính xác ở công viên Arisugawa – nơi đồng xu được tìm thấy. Sau đó, anh gọi điện thoại cho ai đó rồi thông báo tỉ mỉ sự việc, gắn số quản lý cho đồng xu được tìm thấy. Cuối cùng anh quay sang nhìn Gregory và ca ngợi sự thật thà của cậu bé, đưa một tờ giấy chứng nhận và nói rằng đồng xu này sẽ thuộc về bố con anh nếu sau 6 tháng không ai đến nhận. Và cậu bé Gregory bước ra khỏi đồn cảnh sát với gương mặt rạng rỡ, đầy tự hào, còn anh Nicholas thì hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách cư xử của người Nhật.
3 ngày sau, Gregory tiếp tục nhặt được đồng 10 yên khi cùng bố đi từ trường mẫu giáo về nhà. Lúc này, Gregory liền bảo bố: “Đến đồn cảnh sát nào bố ơi” với tâm trạng đầy phấn khích, tự nguyện.
Bình luận: Việc dành khoảng 30 phút để giải quyết một việc nhặt được của rơi chỉ đáng giá 1USD đối với gần như tất cả các nước trên thế giới là sự lãng phí thời gian. Nhưng với người Nhật thì không, họ xem đó là sự đầu tư cho tính trung thực không chỉ của trẻ em mà là của toàn xã hội.
Cái giá của sự trung thực
Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Okalahama, một người đàn ông cùng với hai đứa con của mình đến vui chơi tại một câu lạc bộ. gia đình anh đứng gần một gia đình khác, cũng có con nhỏ. Một ngươi bước tới quầy vé và hỏi:
-Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé. Người bán vé trả lời:
– 3 Đô là một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?
Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ lên bốn – Người đàn ông có hai con trả lời.
– Vậy tổng cộng là 9 đô la tất cả.
Người đàn ông còn lại ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên:
– Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sau tuổi? Như thế có phải tiết kiệm được 3 đô la không?
Bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói:
– Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đô la.
Ngôi nhà cuối cùng
Có một người làm trong ngành xây dựng, vốn là một công nhân kỹ thuật chăm chỉ, thường được tham gia thi công và xây dựng các công trình quan trọng của công ty. Ông được các quản lý tin tưởng bởi lòng trung thực của mình. Nhưng do trình độ bằng cấp hạn chế nên mãi vẫn quanh quẩn ở vị trí cũ. Tuy nhiên, ông vẫn luôn mơ ước xây dựng cho mình một căn nhà thật đẹp, dù ước mơ đó khó mà trở thành hiện thực với đồng lương kỹ thuật.
Trước khi về hưu, ông nhận được một đề nghị có phần đặc biệt của giám đốc: “Anh đã hoàn thành công việc rất tốt, chúng tôi rất hài lòng. Nhưng tôi có một việc quan trọng, đó là nhờ anh giúp tôi quản lý việc xây dựng một căn nhà nhỏ. Nó rất quan trọng và tôi muốn anh giúp kịp làm căn nhà này trước khi anh về nghỉ hưu”. Ông vui vẻ nhận lời và bắt tay vào công việc.
Khi xây dựng xong phần móng nhà thì ông nhận được tin vui, thủ tục của ông đã được công ty hoàn tất, chỉ còn chờ đến ngày về hưu. Rồi ông bắt đầu nghĩ: “Cả đời trung thực rồi, giờ chẳng còn gì ràng buộc nữa, hay là bớt xén công trình một chút để dưỡng già?”. Ông cũng hiểu rằng công trình bớt xén thì chỉ năm bảy năm là xuống cấp. Nhưng cái gánh nặng trách nhiệm giờ đã không còn, nên ông lại tự bao biện: “Lúc đó vật đổi sao dời rồi, ai biết được nữa, công trình mà xuống cấp thì có hàng ngàn lý do”.
Vậy là ông cố gắng khiến cho vẻ ngoài ngôi nhà được khang trang một chút. Nhưng lại bớt xén nhiều nguyên vật liệu, từ đó mà kiếm được kha khá tiền. Giám đốc tỏ vẻ tin tưởng và hài lòng khi nhận bàn giao công trình, mà thậm chí còn chưa hề đến xem. Chỉ có điều khiến ông băn khoăn là, giám đốc bao nhiêu việc lại đích thân đến dự ngày khánh thành căn nhà nhỏ, mà lại còn nhất thiết yêu cầu ông tới dự nữa.
Ngày hôm đó, trước sự chứng kiến của các nhân viên công ty, giám đốc đã đứng lên nói: “Công ty xây dựng ngôi nhà này như một món quà, một lời tri ân dành cho một người đã góp sức hết mình cho sự phát triển của công ty”. Nói rồi, giám đốc cầm chìa khóa nhà trao cho vị trưởng phòng kỹ thuật đang đứng cạnh và bắt tay ông ta.
Vị trưởng phòng nhận chùm chìa khóa trong tiếng vỗ tay của mọi người. Rồi tiến về phía người công nhân kỹ thuật già, vui vẻ nói: “Xin cảm ơn các bạn, và đặc biệt là, tôi nhất định phải cám ơn ông, người đã trung thành cả cuộc đời mình với công ty, cảm ơn vì đã phụ trách xây dựng một căn nhà đẹp…”
Ông lúng búng: “… Không có gì cả… Đó là điều nên làm mà…”
Đột ngột, ông trưởng phòng quay sang, dõng dạc nói: “Và chính xác là chùm chìa khóa thuộc về ông, người mà công ty muốn tri ân nhất, nó xứng đáng thuộc về ông! Đây là bất ngờ mà công ty dành tặng ông đó!”
Tính nhầm 6 cent
(Tác giả câu chuyện đến thăm Dresden, thủ phủ bang Saxony ở Đức).
Cách khách sạn nơi tôi nghỉ khoảng 1km, có một cái siêu thị tên là Plus. Khi cùng đồng nghiệp đi tới đó mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt, tôi cũng tiện thể mua bao thuốc lá. Tôi chọn hai bao thuốc lá Davidoff và đứng xếp hàng chờ thanh toán. Nhân viên bán hàng nhanh chóng thao tác quét mã vạch, và giá hai bao thuốc lá tổng cộng là 6,2 Euro. Chúng tôi thanh toán rồi ra về.
Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đi tới thăm quan trường đại học kỹ thuật Dresden trong hai ngày tiếp theo. Tuy nhiên, trong lúc gấp quần áo, tôi phát hiện chiếc cà vạt của mình đã bị phai màu hỏng mất. Bất đắc dĩ, tôi đành phải đi ra siêu thị Plus chọn một chiếc cà vạt có màu sắc tương tự cái cũ.
Không giống lần trước khi tôi đến mua, lần này mỗi nhân viên bán hàng trước khi quét mã vạch hàng hóa đều cầm một tấm hình chiếu vào mặt khách hàng để đối chiếu. Trong đầu tôi khi ấy lóe lên suy nghĩ: “Dùng loại biện pháp này để trợ giúp cục cảnh sát tra tìm tội phạm truy nã thì cũng chỉ là việc phí công vô ích.”
Lúc tôi mang chiếc cà vạt tới, cô nhân viên bán hàng trung niên đột nhiên thốt lên một tiếng “Ơ!”. Sau đó cô quay sang nói với những nhân viên khác bằng tiếng Đức: “Này, chính là anh này!”
Vừa nói dứt lời, tất cả mọi người xung quanh lập tức đưa ánh mắt nhìn tôi. Quá bất ngờ, tôi luống cuống xòe hai tay ra ý nói với họ rằng mình không làm việc gì trái pháp luật cả. Nửa phút sau, tôi được dẫn đến một phòng chờ.
Nhân viên siêu thị mang cho tôi một cốc nước rồi hướng về phía tôi nói lời xin lỗi chân thành. Thái độ đó càng khiến tôi không hiểu gì! Chưa đầy một phút sau, một nhân viên quản lý tới và nói:
– Cách đây 2 ngày, anh đã từng đến siêu thị của chúng tôi mua hai bao thuốc lá Dresden. Lúc đó nhân viên bán hàng đã thu của anh 6,2 Euro. Tuy nhiên từ 8 giờ 15 phút trở đi, mỗi một bao thuốc nhãn hiệu Dresden sẽ được giảm giá 3 cent. Thời gian tính tiền của anh là 8 giờ 15 phút 17 giây. Nhưng khi ấy máy tính tiền của siêu thị lại bị trục trặc mất 30 giây, nên đã không thể kết nối kịp thời dữ liệu giá đã giảm. Chúng tôi thành thật xin lỗi anh, chúng tôi phải trả lại cho anh số tiền thừa là 6 cent, xin mời anh kiểm tra một chút…
Từ chối tuyển dụng
Có một cậu sinh viên xuất sắc giành được học bổng du học Mỹ. Vốn xuất thân trong một gia đình không khá giả nên đây là một cơ hội lớn để cậu đổi đời và giúp đỡ gia đình.
Sống ở thành phố New York sang trọng và sầm uất nhưng cậu vẫn luôn giữ nếp sống của một người Đông Á. Cậu nhận việc làm thêm ở quán bar với mong muốn kiếm thêm chút thu nhập ngoài khoản tiền trợ cấp. Cậu không tiêu pha nhiều và cố gắng tiết kiệm nhất có thể. Vốn là học sinh chăm chỉ nên ngoài giờ học và làm việc cậu lại về nhà và ôn bài. Cuộc sống như vậy có lẽ hơi nhàm chán và lãng phí với một chàng trai trẻ cả đời mới có cơ hội được sống ở một trong những thành phố sầm uất nhất thế giới. Những người bạn cậu mới quen thường rủ cậu đến các quán bar, các trung tâm thương mại. Sau vài lần từ chối cuối cùng cậu đành đi cùng họ.
Khi bước chân vào trung tâm thương mại, một thế giới mới mở ra trước mắt chàng trai. Cậu bị choáng ngợp bởi những điều thú vị ở đây. Các nhà hàng, quán ăn, các khu vui chơi, rạp chiếu phim… Tất cả đều lộng lẫy và cuốn hút. Chàng trai phát hiện ra một điều thú vị mà ít người để ý thấy. Muốn vào các khu vui chơi phải mua vé qua cửa soát vé tự động thì cửa mới mở cho người chơi vào. Khi có người từ trong khu vui chơi đi ra thì cửa sẽ tự động mở khi họ đến gần.
Quan sát được điều này, chàng trai phấn khích và thử áp dụng. Cậu đứng ở cửa khu vui chơi, đợi có người đi từ trong ra thì cậu nhanh chóng lẻn vào. Quả đúng như cậu dự tính, cậu có thể vào khu vui chơi mà không mất tiền mua vé. Cứ thế hàng tuần, hàng tháng, rồi nhiều năm trôi qua. Cậu ngang nhiên vào các khu vui chơi mà không mất tiền mua vé. Cậu cảm thấy hài lòng và nghĩ những người dân ở đây họ thật là ngốc khi không biết cách qua cửa như cậu.
Ngày tốt nghiệp, chàng trai được xếp loại xuất sắc. Thành quả sau những ngày tháng chăm chỉ học tập của cậu. Sau đó cậu hãnh diện cầm tấm bằng của mình đi xin việc ở các công ty lớn. Điều kì lạ là tất cả các công ty cậu xin việc ban đầu đều rất đón chào cậu. Nhưng sau đó họ đều trả lại hồ sơ. Đến công ty thứ 10 cũng tương tự, cậu không hiểu nổi và hỏi nhà tuyển dụng:
“Tại sao hồ sơ của tôi thuộc loại ưu, tôi có năng lực, có kiến thức mà nhà tuyển dụng không cho tôi một cơ hội?”
Lúc này nhà tuyển dụng mới trả lời:
“Năng lực của anh rất tốt, nhưng đáng tiếc chúng tôi không thể tuyển dụng một người thiếu trung thực như anh ở vị trí bảo vệ chứ đừng nói là cấp quản lý”.
Chàng trai sửng sốt:
“Tại sao chứ?”
“Trong 4 năm qua, anh học tập trên đất nước của chúng tôi. Anh dùng những đồng tiền trợ cấp của chúng tôi để tích lũy kiến thức cho mình. Chúng tôi trông chờ những người như anh sẽ đóng góp vào nền kinh tế của đất nước này. Nhưng anh lại ăn cắp tiền của chúng tôi bằng việc trốn vé vào cửa các khu vui chơi. Làm sao chúng tôi có thể chấp nhận một người thiếu trung thực như anh?”
Tham khảo: FB Học theo kiểu mới; VTC News; MommyBaby; VForum; TrithucVN; DKN; Daycon