Chọn trường cấp 2: Tổng hợp ý kiến thầy cô, phụ huynh

Năm học 2019-2020, trường THCS chuyên Hà Nội Amsterdam chính thức áp dụng phương án xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực. Nhiều gia đình lại “sôi sục” hành trình tìm lớp luyện thi, ôn thi vào Ams 2 cũng như một số trường công lập chất lượng cao, trường tư khác. Không ít phụ huynh cùng con em mình vẫn “đau đầu” trong việc chọn trường cấp 2. Chuyên hay không chuyên, song bằng hay không song bằng… là những băn khoăn rất cần được nhìn nhận và chia sẻ.

(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 6 học thêm toán 12 luyện thi vào 10 tại Hà Nội)

 

Cô giáo Triệu Kim Anh, thành viên cộng đồng Con Tự Học, có chia sẻ rất tâm huyết về việc chọn trường cấp 2 với tiêu đề “Không vào được Ams thì sao?”.

Theo cô, việc chọn trường cấp 2 (cụ thể là vào Ams 2) cho con cần dựa trên các yếu tố:

  • Thứ nhất: Con chưa đủ năng lực. Vậy con vào đấy học có khổ không? Kể cả những bạn học nhồi nhét may mắn có tấm vé vào lại cố căng mình chạy có mệt quá không?
  • Thứ hai định hướng gia đình và con, xu hướng tính cách của con, mục tiêu nghề nghiệp của con.
  • Khoảng cách địa lý từ nhà đến trường là việc cũng cần phải đắn đo.
  • Năng lực tài chính của bố mẹ.

Sau đó, cô giáo Triệu Kim Anh chia sẻ về kinh nghiệm của chị khi chọn trường cấp 2 cho con:

  1. Em chọn trường gần nhà cách nhà tối đa 5km để con tự đến trường tự về bằng xe đạp được. Đấy là tiêu chí rất quan trọng vì tiết kiệm thời gian đi lại cho con, giảm gánh nặng sự nghiệp xe ôm-taxi cho bố mẹ. Và giúp con rèn luyện khả năng tự lập tự chủ. Con em tự đến trường từ lớp hai và mẹ chỉ lo cho mỗi cô em mẫu giáo. Các chị có từng nghe ai đó nói “cái đứa đấy vứt vào chỗ nào chả sống được” chưa. Con em muốn phát triển theo cách ấy nên phải tự lập càng sớm càng tốt .
  2. Em chọn trường bằng cách nghe ngóng quan sát học sinh trong trường và vị trí của trường. Chỉ cần đa số học sinh trong trường thuần tuý tỉ lệ học sinh nghịch ngợm cá biệt ít các con thuần ngoan là ổn. Trường không nằm ở các giao lộ lớn ồn ào không nằm ở những nơi phức tạp như chợ, bến bãi tầu xe….
  3. Em quan tâm đến đầu tư chuyên môn của thầy cô ở trường. Như các cách cho đề cương cho bài tập tuần bài tập tháng rồi cung cấp tài liệu học của con. Cách ứng xử của thầy cô với học sinh với phụ huynh ra sao.
  4. Nhiều phụ huynh bảo không chọn trường thì chọn lớp chọn cô. Có lý nhưng em lại không chọn theo số đông. Thấy bảo cô này giáo viên giỏi thành phố giỏi quận đấy thì thôi em cho con vào lớp khác cho đỡ mệt mỏi.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh – bác Laida quen thuộc của Webtretho – cũng đã có những chia sẻ rất cụ thể về việc chọn trường cấp 2, cụ thể là hệ song bằng – hệ Cam tại 7 trường công lập ở HN.

Theo đó, chị chỉ ra một số điểm cần lưu ý về hệ Cam ở Việt Nam như:

Các bạn học sinh VN học Cam sẽ học đầy đủ các môn của bộ GDVN và 4 môn của Cam bằng tiếng Anh ( Maths, English, Science, ICT). Về kiến thức 2 chương trình tương đối trùng nhau.

VD: các bạn lớp 6 ở chương trình của Mĩ, hay VN, hay hệ Cam đều học:
+ đại cương về giới thực vật… tế bào lớn lên phân chia…
+ Trái đất : cấu tạo trong, chuyển động và các mùa, phân bố bề mặt…
+ Cơ học…
Tóm lại, học hệ Cam tại VN, con bạn học 2 lần cùng kiến thức bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt.

Từ đó, chị gợi ý một số câu hỏi phụ huynh cần đặt ra khi lựa chọn có cho con học hệ Cam hay không:

– Bạn có thấy chương trình VN quá tải không?
– Con bạn có tự quán xuyến lên kế hoạch học tập, làm chủ các môn học của gdVn không?
-Con bạn có còn năng lượng để học thêm một lần kiến thức đó bằng tiếng Anh?
– Bạn mong muốn gì khi cho con theo học hệ Cam?

Một vấn đề rất đáng lưu ý khác, phần đông cha mẹ cho con học hệ Cam để mong ước con mình thật giỏi tiếng Anh.

Như bản chất đã nói ở trên học hệ Cam là học kiến thức bằng tiếng Anh.
– Lựa chọn cho con học hệ Cam ở tiểu học là cha mẹ thấy con mình khả năng ngôn ngữ hơn các bạn cùng lứa tuổi, dư năng lượng và xác định là tuổi thơ cũng phải học.
– Để theo hệ Cam tốt ở lớp 6 cần có mức tiếng Anh ở trình PET – B1 mới làm chủ được kiến thức bằng tiếng Anh.

Quay lại câu hỏi: Học hệ Cam có giỏi tiếng Anh?

– Có khả năng tiếng Anh tốt mới nên học Cam, quá trình học, sử dụng lặp đi lặp lại nhiều thì vốn tiếng Anh được duy trì .
– Nhiều bạn học Cam tiếng Anh không giỏi bằng các bạn không học Cam. Điều đó dễ hiểu vì học Cam có chuyên sâu cày cuốc mỗi tiếng Anh đâu.

Tóm lại có khả năng, học thật giỏi tiếng Anh mới nên học Cam. Học Cam để biết kiến thức bằng ngôn ngữ tiếng Anh, sau này du học là lợi thế rất lớn.

Cô giáo Thuỵ Lan chia sẻ trên nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi HSG Tiếng Anh về quyết định không cho con học trường chuyên cấp 2:

Con trai lớn nhà mình đỗ Ams 2. Nhưng với 2 tay 2 điện thoại gọi đến 2 địa chỉ đã học mà mình quyết cho con học cấp 2 GV. Bây giờ vẫn tự tin là quyết định của mình không sai. Bây giờ bạn ý học Ams cấp 3.

Con trai bé nhà mình có giải và có thể vào Ams 2 hoặc CG. Cuối cùng con đang học Lê Quý Đôn. Dù lớp ở LQĐ chưa hẳn đúng nguyện vọng. Nhưng mình chưa hề tiếc không mang bạn ý gửi Ams hay CG.

Theo mình, đến Rome có nhiều con đường khác nhau.

Mình tính đến độ gần nhà, thời gian bố mẹ đưa đón hoặc con tự đi lại được an toàn, thời gian con được chơi, đọc sách và xem phim… Nếu chạy đua quá sớm chắc con hết tuổi thơ. Mình cũng là 1 ví dụ của một người bị đánh cắp tuổi thơ. Và giờ cũng chỉ làm giáo thứ. Nên không nỡ làm điều đó với con.

Thành viên Nguyễn Thị Thanh Hải nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi HSG Tiếng Anh đưa ra lời khuyên cho những phụ huynh muốn chọn trường cấp 2 là chuyên Amsterdam:

… Học tập là cả một quá trình, muốn con đỗ vào chuyên cấp 2 hay cấp 3 thì bố mẹ và con cái ngoài việc xác định rõ tố chất học của con cũng phải có một lộ trình đầu tư học thêm một cách phù hợp thì mới đạt kết quả. Chúng ta nên bỏ tư duy “học thời vụ”. Nghĩa là có thi mới học, còn không thì bỏ qua. Kiến thức các môn học Toán, Văn, Anh nếu được bồi đắp từng ngày, từng năm học sẽ giúp con có nền tảng kiến thức chắc chắn. Để khi cần là tăng tốc, bứt phá. Chứ nếu không có nền tảng, cứ trông chờ học cấp tốc, luyện thi cấp tốc thì khó mang lại hiệu quả.

Cô Nguyễn Thanh Thuý, giảng viên Khoa tiếng Anh, Đại học Hà Nội, cung cấp nhiều thông tin dựa trên cơ sở khoa học về việc chọn trường cấp 2:

Theo cô Thuý, có 3 điểm mấu chốt trong góc nhìn của phụ huynh khi đưa ra lựa chọn trường cấp 2:

– Giáo viên giỏi
– Học sinh giỏi và ngoan
– Những tấm gương thành công hiện nay có gốc từ chuyên chọn.

Điều này gợi ý việc phụ huynh khái quát hoá những hiện tượng sau:

  1. Môi trường làm việc có “danh” đồng nghĩa với chất lượng của cá nhân trong môi trường đó là tốt: đã là trường chuyên thì giáo viên phải giỏi.

Có điểm cần làm rõ: Giáo viên “giỏi” đã được hiểu theo nghĩa nào?

Cái này phải tìm hiểu rõ hơn để biết được hình dung trong đầu phụ huynh về khái niệm “học”, “dạy học”. Đồng thời tìm hiểu xem nhà trường tuyển dụng giáo viên và trong quá trình thì đào tạo và tổ chức nâng cao cho giáo viên như thế nào?

Sau khi có được thông tin đó, phải so sánh lại với khái niệm “giáo viên giỏi” hiện nay của thế giới. Để xem cái chúng ta đang xác định là một chỉ dấu của “chất lượng” có thực sự mang lại chất lượng giáo dục hay không? Tương tự, nhà trường đang làm theo thói quen cũ hay cập nhật được khoa học giáo dục mới? Phụ huynh đánh giá “đúng” hay cách đánh giá “giỏi” đã lạc hậu rồi?!

  1. Học sinh giỏi được đánh giá như thế nào? Thế nào là “ngoan”?

Hiện nay khả năng cao là chúng ta vẫn đánh giá học sinh giỏi bằng tỷ lệ câu trả lời chính xác em có thể đưa ra cho một bài thi, tốc độ các em thực hiện bài thi có đáp án hữu hạn. Các cách đánh giá khác thường khó tránh hồ quan và khó dẫn tới những thang điểm tuyệt đối cho tất cả các môn như ta có thể thấy trong hồ sơ của vô cùng nhiều em ứng tuyển vào các trường chuyên “hot”. Chưa hết, trong một bài thi tuyển ngắn ngủi, số lượng dự thi đông, tay chấm giáo viên với nhau còn là dấu hỏi thì thường bên tuyển sinh sẽ phải chọn cách an toàn nhất (chủ yếu là đúng-sai) để giảm sai sót về kết quả.

Nếu những em được coi là ‘giỏi” vẫn được nhìn nhận theo cách này, thì khả năng cao là chúng ta đang tập trung vào hành vi nhiều hơn là nhận thức. Trong đó hành vi thường đi kèm với tốc độ (quen tay – quen mắt), trong khi nhận thức phức tạp hơn rất nhiều.

Còn khái niệm “ngoan” ở đây dường như xoay quanh “vâng lời”. Nhưng cái này cần hết sức cẩn trọng vì vâng lời còn phụ thuộc vào độ tuổi/giai đoạn phát triển tâm sinh lý; cũng như việc nghe lời chưa chắc đã là một chỉ dấu đúng cho việc hiểu lý lẽ và suy nghĩ sâu sắc. Nói cách khác, nếu các phụ huynh trông chờ con mình vào trường chuyên mà không quậy phá thì có khi nên tham khảo lại các câu chuyện từ các phụ huynh khác đi trước, nhất là khi một trong những nhận định của người trong cuộc trên kia cho thấy giáo viên chuyên có xu hướng thoải mái hơn với học sinh.

  1. Kết quả tốt trong hiện tại là minh chứng cho quá trình giáo dục tốt: người thành công nhiều nguời có gốc chuyên.

Đây là một kiểu khái quát hoá và đơn giản hoá rất đáng ngại. Một người thanfh công có rất nhiều yếu tố tác động tới, đặc biệt trong nghiên cứu tâm lý đã có rất nhiều mảng chỉ ra cái làm nên “thành công” không có liên quan tới kết quả học tập học thuật (kể cả ở Mỹ), mà những phẩm chất tâm lý cá nhân cũng như năng lực giao tiếp, năng lưcj thấu cảm với người khác (Ví dụ điển hình chính là mindset của Carol Dweck). Chưa kể, nó còn liên hệ chặt chẽ với cảm giác rõ ràng về mục đích và theo đuổi ý nghĩa cuộc sống…

Như thế, phải đặt câu hỏi:

– Chương trình học và cách dạy học ở các trường chuyên chọn nổi tiếng có xây dựng được những năng lực này cho học sinh hay không? Nếu có thì họ làm cách nào? Nếu không, thì… rõ ràng kết luận phía trên là một giả định sai.

– Chương trình học và cách dạy học đóng góp được bao nhiêu cho nhận thức và hành vi của cá nhân với việc học và với cuộc sống?

Nếu những điểm này có minh chứng thì mới có thể nói là hệ thống này có giá trị. Còn không thì rõ ràng, ta hoàn toàn có thể THAY THẾ nó bằng những mô hình khác nhằm thu được kết quả TƯƠNG ĐƯƠNG.

Tổng hợp

 

Liên hệ với chúng tôi

Xem thêm

0979.263.759