Tuổi và số giờ cho con học tiếng Anh có thực sự quan trọng?
Nên cho con học tiếng Anh từ mấy tuổi? Có nên cho con học tiếng Anh trước khi biết đọc tiếng Việt hay không? Có đúng 3-6 tuổi là độ tuổi vàng cho trẻ học tiếng Anh? Để đạt 10.000 giờ học tiếng Anh trước khi đi du học thì chắc phải cho con học từ 3 tuổi, mỗi ngày học tận 03 tiếng? Những câu hỏi đó đã gây tốn biết bao nhiêu bút mực của các phóng viên, giáo viên, chuyên gia ngôn ngữ và các Trung tâm tiếng Anh trong những năm qua.
(Lớp học thêm toán thầy Trường tổng hợp, Thầy Trường mở các lớp học thêm toán 7 , học thêm toán 8 , luyện thi vào 10 tại Hà Nội)
Những quan điểm rất đáng tham khảo
Đứng từ góc nhìn của một chuyên gia giảng dạy tiếng Anh, cô Nguyễn Thanh Thúy (giảng viên khoa Tiếng Anh, Đại học Hà Nội) đã có bài viết Học tiếng Anh khi nào là hiệu quả nhất?, trong đó kết luận:
“Độ tuổi thực ra không đóng vai trò quan trong như nhiều người nghĩ. Thậm chí, khi lớn hơn tốc độ học (và đạt thành tựu) lại tốt hơn khi nhỏ. Nếu cân nhắc về tính kinh tế của việc đầu tư, thì việc dồn quá nhiều tiền cho trẻ em học tiếng Anh là một việc không được “kinh tế” cho lắm. Từ góc độ một người chuyên dạy người lớn trong tầm chục năm trở lại đây, tôi nhận thấy rõ một điều rằng cần tạo nền tảng từ nhỏ về thái độ học tập, trong đó khuyến khích sự ham thích và chủ động tìm kiếm thông tin ở các em hơn là việc tìm cách cho các em biết càng nhiều càng tốt.“
Bà mẹ Phương Đặng – tác giả cuốn sách Giỏi Tiếng Anh Không Tốn Mấy Đồng – cũng chia sẻ:
“Nhiều người biết đến tôi như một bà mẹ dạy tiếng Anh sớm cho cả hai con. Và chắc hẳn nhiều người cũng sẽ cho rằng tôi chắc chắn ủng hộ việc dạy tiếng Anh cho trẻ con càng sớm càng tốt. Thực tế là: không quan trọng độ tuổi nào trẻ được học ngoại ngữ, mà quan trọng nhất là trẻ được học theo cách NHƯ THẾ NÀO
Rất nhiều cha mẹ cuống cuồng cho con đi học tiếng Anh vì sợ con thua kém trẻ khác, hoặc sợ sau khi nghe thấy các quảng cáo nói “Nếu không cho con bạn học bây giờ, bạn đã bỏ lỡ giai đoạn vàng của con. Khổ thân con bạn chưa. Bạn sẽ ân hận đấy.” Khi bạn nghe bất cứ quảng cáo nào nói vậy, đừng bao giờ tin và đừng bao giờ đọc tiếp. Họ biết các phụ huynh có tâm lý lo sợ con không bằng ai. Họ rất giỏi “câu cá” theo kiểu này. Bạn hãy dạy con tiếng Anh hoặc cho con học tiếng Anh vì bạn thích thú với việc dạy và/hoặc con thích thú học, chứ đừng cố dạy để chuẩn bị trẻ cho tương lai. Những gia đình dạy con tiếng Anh thành công là bởi vì họ và con họ vui vẻ trong quá trình học. Mong ngóng con học thật nhanh, thật nhiều, thật sớm khiến cho nhiều cha mẹ “đốt cháy giai đoạn”, gây căng thẳng cho cả con lẫn bản thân, và việc học sẽ vừa không đem lại kết quả, lại vừa đem lại ức chế cho đứa trẻ. Căng thẳng là một trong những yếu tố cản trở não phát triển.”
Là người có nhiều kết nối, thường xuyên trò chuyện với các phụ huynh, chị Dương Thị Minh (sáng lập viên của ConTuHoc, admin Facebook Group Con Tự Học hơn 80K thành viên) cho biết: không ít mẹ hối hận vì đã mải “chạy theo hướng 10.000 giờ”, quá chú trọng đầu tư thời giờ cho con học tiếng Anh ở cấp tiểu học, dẫn đến không dành đủ nhiều thời gian cho rất nhiều điều quan trọng khác, khi con lên cấp 2 mới nhận ra hậu quả. Có bạn cấp 2 vẫn học tốt tiếng Anh nhưng lại yếu môn ngữ văn tiếng Việt. Có bạn kỹ năng vận động hoặc kỹ năng giao tiếp, kết nối với mọi người xung quanh yếu. Sự chênh lệch về năng lực tiếng Anh giữa bạn tuổi cấp 1 được nạp nhiều nhưng lên cấp 2 lại mệt mỏi vì yếu nhiều môn khác, với bạn cấp 1 nạp tiếng Anh ít hơn nhưng cấp 2 lại hào hứng, tự tin có vẻ như được rút ngắn rất nhanh.
Vậy, độ tuổi nào nên cho con học tiếng Anh, và cho con học với tỉ lệ thời gian như thế nào trong tổng quỹ thời gian có được?
Câu trả lời phải phụ thuộc vào từng đứa trẻ, từng bố mẹ.
Nếu con nói tiếng mẹ đẻ còn ngọng nhiều, nếu con vận động còn bấy bưa, thì đừng lo chuyện cho con học tiếng Anh vội. Ghi chú: “Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng học ngoại ngữ ở độ tuổi khi còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiếng mẹ đẻ của trẻ. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng độ tuổi quan trọng để phát triển tiếng mẹ đẻ ở trẻ là từ 2-4 tuổi.” – Theo Lứa tuổi nào là phù hợp cho trẻ bắt đầu học ngoại ngữ, British Council Việt Nam. Có khối trò chơi và sách hay tiếng Việt để bạn dành thời gian cùng con.
Nếu bạn thấy con diễn đạt, viết lách bằng tiếng Việt hoặc học các môn khác chưa đủ tốt, hãy để con dành thêm thời gian cho chúng. Nếu con đang rất ham mê khám phá, quan sát thế giới xung quanh hay thích vẽ vời, sáng tạo này nọ, hãy đừng tước đi của con “thời điểm” vàng cho những thứ đó. 15-30 phút hay 03 tiếng một ngày để học tiếng Anh không quan trọng bằng thái độ, hứng thú của con bạn với môn học. Ngay cả khi con rất hứng thú học tiếng Anh, cha mẹ cũng cần tỉnh táo lưu tâm đến nhiều khía cạnh khác của sự phát triển toàn diện, nhằm hướng con dành thời lượng hợp lý. “Chất lượng hơn số lượng”, duy trì được hứng thú và sự đều đặn quan trọng hơn là số giờ và số trang con ngồi học.
Một đứa trẻ sống mạnh khỏe, có khát vọng trở thành người tài năng, thấy tiếng Anh là cánh cửa mở ra thế giới mình hướng tới, sẽ tự có nội lực và động lực từ bên trong để tăng tốc và giỏi tiếng Anh, bất kể trẻ từng được học từ khi nào, đã học được mấy ngàn giờ.